Cần Thơ: Tín dụng chính sách góp phần phát triển du lịch

(PLO) - Để góp phần thúc đẩy du lịch, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế vùng trung tâm sông nước miền Tây, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Cần Thơ đã triển khai cho vay vốn ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái miệt vườn. Nhờ vậy mà bức tranh du lịch của thành phố ngày càng khởi sắc. 
Nguồn vốn vay ưu đãi giúp bà con Tây Đô phát triển các mô hình du lịch sinh thái miệt vườn

Từ những địa chỉ du lịch hấp dẫn...

Chúng tôi đến thăm vườn du lịch Mỹ Thơm tọa lạc ở ấp Nhân Thọ 1 (xã Nhân Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ) - một trong những khu vườn du lịch có cảnh quan đẹp và thuận lợi về giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy trong khu vực Phong Điền.

Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên khu vườn, chị Nguyễn Thị Bé Năm - chủ vườn du lịch Mỹ Thơm - cho biết: Gia đình chị có khoảng 30 công vườn chuyên canh măng cụt, sầu riêng, mít, chôm chôm. Vài năm trở lại đây, Phong Điền được TP Cần Thơ đầu tư, quy hoạch phát triển thành khu đô thị sinh thái trong tương lai, đồng thời các hộ gia đình được khuyến khích đầu tư một số dịch vụ và mở cửa vườn đón khách tham quan cây trái.

Thấy đây là một mô hình hợp lý và hiệu quả nên gia đình chị mạnh dạn đầu tư và mở vườn đón khách. Không chỉ được địa phương hỗ trợ tích cực về mặt thủ tục, mở chương trình du lịch mà cuối năm vừa rồi gia đình chị được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để đầu tư cho khu vườn thêm khang trang. Chị Năm chia sẻ: “Tuy vốn vay nhỏ nhưng là động lực cho tui làm ăn phát triển du lịch cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới”. 

Chia tay gia đình chị Bé Năm, chúng tôi đến thăm khu vườn cò Bằng Lăng của ông Nguyễn Ngọc Thuyền ở quận Thốt Nốt. Tuy gần đây vườn cò Bằng Lăng thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhưng do gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức khai thác nên khu vườn vẫn chưa được chú trọng đầu tư nhiều.

Năm vừa rồi, được NHCSXH xét cho vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình ông Thuyền đã đầu tư xây dựng lại cầu dẫn phục vụ du khách lên trên cao ngắm cò, số còn lại dành để làm đường đi vào vườn cò và một số bàn ghế phục vụ cho dịch vụ ăn uống, nghỉ chân tại chỗ.

Ông Thuyền cho biết: “Khi được NHCSXH hỗ trợ cho vay, gia đình mới đầu tư đường đi, xây nhà vệ sinh, làm những chỗ nghỉ chân cho khách du lịch nghỉ ngơi ăn uống. Khách đến đây vừa ý lắm”.

Nhằm góp phần giúp các hộ dân có điều kiện làm du lịch, dịch vụ du lịch năm 2015, UBND TP. Cần Thơ đã ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH Cần Thơ giải ngân cho nhiều hộ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Năm 2016, trong tổng nguồn vốn 30 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH thì đã có 10 tỷ đồng được dành để cho vay lĩnh vực này. 

... Đến triển vọng phát triển du lịch xanh bền vững

Thống kê 6 tháng đầu năm nay, NHCSXH  Cần Thơ đã tiếp nhận 80 hồ sơ đề nghị vay vốn để phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ chợ nổi trên sông, trong đó có 39 hộ vay vốn làm du lịch và 41 hộ vay vốn mua bán tại chợ nổi Cái Răng. Đến nay, chi nhánh NHCSXH đã thẩm định và cho vay được 45 dự án với tổng số 3,26 tỷ đồng. 

Gia đình ông Huỳnh Thanh Hồng có 8 nhân khẩu, hàng chục năm sống bằng nghề buôn bán trái cây trên chợ nổi Cái Răng. Do vốn không nhiều nên những khi hàng nông sản vào chợ hoặc thời tiết không thuận lợi, gia đình ông phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Gần đây khi địa phương lập dự án bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, gia đình ông được NHCSXH hướng dẫn lập hồ sơ cho vay vốn. Lần đầu tiên trong đời nhận được dòng vốn ưu đãi, ông phấn khởi: “Trước đây gia đình tôi chỉ bán được 1 hoặc 2 tấn trái cây, bây giờ nhờ có vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi bán được từ 4 đến 5 tấn. Nhờ đó, thu nhập cũng tăng lên, ổn định cuộc sống”. 

Giám đốc NHCSXH TP Cần Thơ Huỳnh Văn Thuận cho biết: “Sau khi UBND có văn bản chỉ đạo, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát ngay danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn. Trên cơ sở đó chúng tôi kịp thời chuyển tải vốn nhanh chóng tới tận tay các đối tượng vay vốn”.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng cho hay, khó khăn đối với du lịch chợ nổi trên sông là những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn trên 50 triệu đồng lại không có tài sản thế chấp, không có giấy phép kinh doanh. “Với những trường hợp chưa đầy đủ điều kiện, chúng tôi sẽ xem xét trong thời gian tới” – ông Thuận nói.

Sự hỗ trợ cho vay phát triển các mô hình du lịch sinh thái miệt vườn, cho vay tiểu thương ở chợ nổi sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành du lịch của thành phố theo hướng bền vững, đồng thời giúp các hộ dân có thêm động lực gắn bó với nghề, phát triển nghề, cải thiện thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn./.

Đọc thêm