Cẩn trọng trước “lương y Youtube” và chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng

(PLVN) - Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội Youtube không khỏi phiền toái và khó chịu trước hàng loạt quảng cáo về các sản phẩm được mệnh danh là thuốc đông y gia truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ với những lời rao thần thánh…. “nhà tôi ba đời trị bệnh…. Cam kết khỏi bệnh 100%...”. 
Quảng cáo thuốc đông y trên Youtube khiến nhiều người khó chịu.
Quảng cáo thuốc đông y trên Youtube khiến nhiều người khó chịu.

Trước những lời quảng cáo có cánh thiếu căn cứ này khiến không ít người bệnh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí ghi nhận không ít trường hợp nhập viện, tử vong vì tin theo lương y rởm.

Ức chế vì quảng cáo

Dường như câu nói “nhà tôi ba đời trị bệnh…” này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi xem các chương trình trên mạng xã hội Youtube. Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trước, tình trạng quảng cáo tràn lan các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đã  bùng phát trên mạng xã hội facebook  khiến nhiều người "sập bẫy", dẫn đến "tiền mất mà bệnh vẫn mang"!

Cho đến khi Bộ Y tế vào cuộc xác định các sản phẩm này là thực phẩm chức năng (hay còn gọi thực phẩm bảo vệ sức khỏe), không có công dụng chữa bệnh và  yêu cầu Facebook xử lý dứt điểm tình trạng này, quảng cáo các loại thuốc ở Việt Nam nói chung mới bị siết chặt. Thế nhưng, sau một thời gian bị cấm cửa trên Facebook, các sản phẩm được mệnh danh là thuốc đông y gia truyền được quảng cáo như những thần dược lại tái phát rầm rộ trên mạng xã hội YouTube.

Hầu hết các clip quảng cáo đều tập trung “lăng xê” cho các loại thuốc được mệnh danh là "đông y gia truyền", thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ… có công dụng điều trị, chữa khỏi các loại bệnh xương khớp, viêm xoang, sỏi thận, gan, yếu sinh lý... với hàng loạt các chiêu trò và thủ đoạn tinh vi để tiếp cận người xem. 

Bên cạnh việc quảng cáo có dấu hiệu chứa nội dung không đúng sự thật, thổi phồng công dụng, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Đặc thù của các clip quảng cáo này còn ngang nhiên lồng ghép một số đoạn video phỏng vấn của người bệnh, phần tư vấn của các PGS, TS, chuyên gia y tế, thậm chí còn lồng ghép một cách chuyên nghiệp, mạo danh nhiều logo của nhà đài có sự dẫn dắt của MC giống như một chương trình thời sự nhằm lấy lòng tin tuyệt đối từ người xem.

 Đầu tư hơn, nhiều đối tượng còn sẵn sàng sản xuất cả phóng sự  để quảng cáo cho các sản phẩm này. Việc này khiến không ít người bức xúc cũng như khó chịu bởi tần xuất hiển thị quảng cáo quá dày đặc.

Không cần khám, uống thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cũng hết bệnh????

Cụ thể, khi liên hệ với số điện thoại trên clip được quảng cáo trên Youtube của sản phẩm Khớp Đế Vương, ngay lập tức phóng viên được một số điện thoại gọi đến tư vấn rất nhiệt tình về những công dụng thần thánh của sản phẩm này.  

Thậm chí, theo như lời của nhân viên tư vấn, sản phẩm Khớp Đế Vương còn có thể điều trị nhiều loại bệnh lý về xương khớp. Điều đáng nói, chẳng cần phải thăm khám, cơ sở này vẫn cam đoan chữa khỏi bệnh chỉ với 2 liệu trình sử dụng trong vòng 2 tháng với mức giá hàng triệu đồng.

Trong cuộc điện thoại tư vấn điều trị bệnh xương khớp, phóng viên có hỏi về địa chỉ phòng khám cũng như việc đưa bệnh nhân đến khám trực tiếp tại phòng khám đông y. Người tư vấn  chỉ chia sẻ địa chỉ chung chung tại tỉnh Bắc Giang và thời điểm hiện tại không khám trực tiếp, “hiện nay đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không tiến hành khám chữa bệnh tại phòng khám”. Chỉ cần kể bệnh và uống Khớp Đế Vương kết hợp cao xoa Đế Vương là khỏi bệnh. 

Khớp Đế Vương “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh.
Khớp Đế Vương “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh. 

Khi thấy người bệnh hỏi mua thuốc có biểu hiện không tin tưởng và không mua hàng, nhân viên tư vấn này chuyển sang kế hoạch giảm giá trong ngày. “Giá sản phẩm hiện tại cho một liệu trình là hơn bốn triệu đồng. Bên công ty đang có chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng một liệu trình 4 hộp Khớp Đế Vương kết hợp cao xoa Đế Vương chỉ hai triệu đồng. Chương trình chỉ áp dụng khuyến mại trong ngày hôm nay”. Nhân viên tư vấn Khớp Đế Vương chia sẻ, điều này là hết sức bất thường.

Thậm chí, trên trang facebook, sản phẩm Khớp Đế Vương còn so sánh, phủ nhận công dụng của các loại thuốc tây và thuốc chữa bệnh khác với những lời nói rất vô căn cứ. Trang FB này cho rằng: “Cứ dùng kháng sinh hay thuốc tây thì 100 năm nữa cũng không khỏi được”.

Trên kênh Youtube Khớp Đế Vương cũng đăng tải hàng loạt clip chia sẻ nhận xét của khách hàng thể hiện nội dung ngợi ca, khuyên dùng sản phẩm. Tuy nhiên, tại Điều 3 Thông tư 08/2013/TT- BYT có quy định rõ về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm. Trong đó có các hành vi sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm này thực chất chỉ là thực phẩm chức năng không có công dụng điều trị như thuốc chữa bệnh. Trên trang web www.khopdevuong.com, sản phẩm Khớp Đế Vương được sản xuất bởi Công ty Cổ phần BIGFA có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, KM36 – QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và được đăng ký công bố sản phẩm bởi Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư AZ Faco có địa chỉ tại phòng 401, tòa nhà 179 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điều đáng nói, mặc dù chỉ được đăng ký là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng trang web này ngang nhiên quảng cáo sản phẩm Khớp Đế Vương là bài thuốc vua đặc trị xương khớp với các công dụng thần thánh như: Giải quyết triệt để, đánh vào gốc rễ của bệnh xương khớp. Việc liên tục khẳng định là thuốc có thể điều trị dứt điểm các loại bệnh xương khớp, trong khi sản phẩm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP về quảng cáo thực phẩm. Theo đó, không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh.

Được biết, việc lợi dụng niềm tin, uy tín của một cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu, trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam bởi tình tiết có tổ chức.

Việc các quảng cáo thuốc đông y gia truyền đã và đang "thao túng" trên kênh Youtube không chỉ khiến người xem bức xúc, mà còn khiến hình ảnh của những kênh truyền hình, MC cũng như lương y chân chính bị ảnh hưởng không nhỏ. 

“Tiền mất tật mang” khi tin vào lương y Youtube

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người bệnh phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng chỉ vì “nhẹ dạ cả tin” vào những loại sản phẩm được quảng cáo thổi phồng như những loại thần dược như thế này. Ngày 14/3, một em bé 9 tháng tuổi ở Bắc Giang đã tử vong thương tâm chỉ vì chữa bỏng bằng thuốc lá của thầy lang. Trên thực tế cũng đã có nhiều bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng bị hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại nhiều di chứng. 

Gần đây nhất, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã liên tiếp tiếp nhận những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sức khoẻ bị tổn hại nghiêm trọng vì nghe theo lời chào mời của thầy lang để uống thuốc nam trị các bệnh lý về gan. Trong đó có ghi nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vàng mắt, vàng da, xơ gan kèm suy gan tối cấp, suy thận sau 1 tháng uống một loại thuốc nam có tên “Đại kiện can”. Hay thậm chí có trường hợp chỉ vì chữa bệnh ngoài da bằng cách đắp thuốc bột của thầy lang mà bệnh nhân mắc đái tháo đường 12 năm đã bị loét thành bụng với nguy cơ nhiễm trùng huyết nặng. 

Trước những vụ việc thương tâm trên, người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh từ những người tự xưng là thần y, lương y và thận trọng với những sản phẩm được mệnh danh là thuốc đông y gia truyền chưa được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ cũng như những công dụng, hiệu quả thực sự của sản phẩm.

Đọc thêm