Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối và chia sẻ, mà còn trở thành “sân khấu” để nhiều người phô diễn. Sống ảo, "phông bạt" trên mạng đang dần trở thành một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”

Đang ồn ào thời gian qua là những câu chuyện liên quan đến việc sao kê từ thiện. Những vụ lùm xùm về việc một số cá nhân là nghệ sĩ, Tiktoker, doanh nhân... công khai số tiền quyên góp nhưng bị phát hiện đó chỉ là con số ảo hoặc thổi phồng, được làm giả mạo bằng phần mềm... gây ra nhiều tranh cãi. Những bản sao kê từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thật chỉ bằng 1/100 so với con số được công bố.

Những hành động như photoshop, chỉnh sửa sao kê, hoặc tự chuyển tiền vào tài khoản rồi chỉnh sửa để “khoe” mình làm từ thiện đã trở thành chiêu trò khiến cộng đồng phẫn nộ. Nhiều cá nhân trong cuộc đã phải lên tiếng giải thích, xin lỗi vì hành vi “phông bạt”, mượn thời điểm người dân đang trong thiên tai mà mưu cầu tiếng tăm cho bản thân mình.

Những câu chuyện này không chỉ là hiện tượng cá biệt diễn ra trong thời gian qua mà sâu xa hơn, đây chính là một lát cắt mang mặt trái của lối sống ảo, của xu hướng lệch lạc trong việc đánh giá giá trị cá nhân đang lan rộng trên mạng thời gian qua. Hiện tượng sống ảo, “phông bạt” không chỉ dừng lại ở việc giả mạo trong chuyện từ thiện mà còn lan rộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Người ta đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện “làm màu”, thổi phồng được dàn dựng trên mạng xã hội.

Một thanh niên tên K.S., có thời gian từng dấn thân cả vào showbiz không vì gì khác mà chỉ bằng việc khoe khoang bản thân giàu có, sử dụng hàng hiệu, được du lịch đến những nơi sang chảnh, và trên hết là xuất thân trong một gia đình quý tộc giàu có.

Thế nhưng, khi những vai diễn được hạ màn, người ta mới phát hiện, thanh niên này xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả ở một miền quê, mẹ là một người đàn bà buôn thúng bán bưng. Tất cả các chiêu trò nói trên đều là "phông bạt", dàn dựng, mượn của người làm của mình.

Một chàng ca sĩ trẻ trong giới showbiz cũng đã có lần phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì “lỡ dại” quay, chụp cảnh mình đang ngồi trong một căn biệt thự xa hoa và khoe là nhà của bản thân, trong khi đó là nơi ở của một đại gia và anh tình cờ theo một người bạn đến chơi.

Nhiều Tiktoker khoe bán hàng “bão đơn”, tiền vào như nước, khoe cuộc sống sang chảnh, nhưng thực tế vẫn đang vật lộn với mưu sinh hàng ngày, ở nhà thuê, đi xe mượn...

Mạng xã hội là nơi mà bất kỳ ai cũng có thể “lên đời”. Chỉ cần vài bức ảnh chỉnh sửa kỹ lưỡng, video clip dàn dựng, vài dòng trạng thái khoe khoang.... người ta dễ dàng tạo dựng một hình ảnh hoàn hảo, cuộc sống lý tưởng dù trong thực tế, cuộc sống đó có lẽ chỉ là “trong mơ” với họ.

Sống ảo đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho không chỉ một, vài cá nhân mà cho toàn xã hội. Không ít kẻ, việc “phông bạt” không chỉ là “nổ” để đánh bóng tên tuổi, hình ảnh trên mạng, mà còn phục vụ cho nhiều mục đích khác như lấy uy tín để kinh doanh thiếu đạo đức, “lùa gà”, lừa đảo.

Đơn cử, trong số những người bị “bóc phốt” về việc làm giả sao kê từ thiện, đánh bóng tên tuổi lần này, có những trường hợp là bán hàng đa cấp trái phép, kinh doanh tiền ảo lừa đảo, khoe khoang “trích lợi nhuận vài tháng để làm từ thiện” hòng lôi kéo nhiều con mồi lóa mắt.

Không ít người dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hình ảnh ảo trên mạng không chỉ mất đi khả năng phân biệt thật – giả, mà còn đối mặt với những vấn đề về tâm lý, bị hoa mắt, dễ rơi vào cảm giác tự ti, áp lực, thậm chí lầm tưởng rằng những gì đang diễn ra trên mạng là chuẩn mực để theo đuổi. Thay vì tập trung vào phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng và học hỏi những điều thực sự có giá trị, nhiều người, mà phần lớn là người trẻ lại dành quá nhiều thời gian để xây dựng “thương hiệu cá nhân” ảo, tạo dựng một cuộc sống chỉ để “được ngưỡng mộ” trên mạng xã hội.

Khi giá trị thật bị lu mờ, xã hội dễ rơi vào tình trạng rối loạn, những giá trị văn hóa truyền thống như lòng nhân ái, sự chân thật, khiêm nhường bị coi thường hoặc thay thế bởi sự khoe khoang, giả tạo.

Hậu quả nghiêm trọng nhất có lẽ là sự ảnh hưởng tiêu cực đối với nhận thức của giới trẻ, thế hệ dễ bị tổn thương bởi những giá trị sai lệch. Sau một hiện tượng xã hội, điều mà chúng ta cần không phải là sự “ném đá” dành cho cá nhân, sự giễu cợt, mà là cái nhìn nghiêm túc rằng hiện tượng ấy có thể dẫn đến những hệ lụy sâu xa nào để mỗi người sống đúng với bản thân, như những gì vốn có.