Lãi suất “cắt cổ”
Trong vai người cần đi vay tiền, lần theo một số điện thoại được dán trên đường Hùng Vương (TP. Huế), chúng tôi gọi điện vào số 0941... Đầu dây bên kia là giọng nam thanh niên nghe máy. Khi chúng tôi hỏi muốn tìm hiểu vay tiền, thanh niên này mời chúng tôi đến địa chỉ giao dịch nằm ở vị trí mặt tiền của phường Thuận Thành, TP. Huế, khi đi cầm theo hộ khẩu, giấy CMND. Khi chúng tôi nói đang cần tiền gấp và muốn trao đổi, thỏa thuận lãi suất qua điện thoại trước, người này đồng ý.
Muốn vay 20 triệu đồng, thủ tục như thế nào? “Bên em cho vay theo hình thức trả góp. Nếu vay 20 triệu, mỗi ngày góp 600 ngàn đồng. Góp trong vòng 40 ngày là 24 triệu đồng”. Khi được hỏi có thể giảm lãi suất xuống được không thì thanh niên đầu dây bên kia đáp: “Cao gì mà cao. Đang mùa World Cup, nhiều người đến năn nỉ cũng chưa được vay với giá đó nữa” rồi cúp máy. Như vậy, chỉ vay 20 triệu đồng trong vòng 40 ngày, người vay phải trả lãi 4 triệu đồng.
Thực tế, nhiều người túng thiếu, bế tắc phải tìm đến tín dụng “đen” sẽ lập tức bị nhấn chìm trong vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”. Bà Trần Thị Sen, một tiểu thương chợ An Cựu, TP. Huế là ví dụ. Bà kể đầu tháng 4/2018, gia đình có việc gấp nhưng không biết xoay xở ở đâu nên khi thấy một tờ giấy dán bên ngoài khu vực chợ về việc cho vay. Lần theo số điện thoại, một thanh niên đến gặp trực tiếp bà Sen và xem hóa đơn tiền điện xong rồi đồng ý cho vay 20 triệu đồng. Khi được hỏi về lãi suất, bà Sen cho biết, tiền lãi 3 triệu đồng/tháng: “Số tiền lãi quá cao nhưng do cần tiền gấp quá nên tôi phải chấp nhận vay. Tiền lãi trả hàng tháng, nếu trả chậm sẽ cộng dồn vào rồi tính thêm lãi suất”, bà Sen kể.
Công an đang rà soát các nhóm cho vay nặng lãi
Theo một số cán bộ trong ngành ngân hàng, hiện nay có 2 hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác và vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Còn với hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày gọi là vay “nóng”. Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động hệ thống ngân hàng và không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và ngân hàng.
Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có ràng buộc nhất định như người vay công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập. Còn tín dụng “đen” chỉ cần thỏa thuận bằng miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ pháp lý nên người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro.
Tại Thừa Thiên Huế, những năm gần đây hình thức cho vay tín dụng “đen” diễn ra rầm rộ, công khai theo kiểu cho vay tài chính. Trên các tuyến đường từ thành phố về nông thôn tờ rơi dán khắp mọi nơi. Tại các khu vực ngã tư đèn đỏ thì có một số cô gái đến đưa card visit giới thiệu địa điểm cho vay và số điện thoại liên hệ.
Điều đáng nói, một số địa điểm cho vay tài chính được công khai địa chỉ, có trụ sở giao dịch; một số khác chỉ có số điện thoại khi khách hàng cần gọi điện thì sẽ cung cấp địa chỉ đến để giao dịch hoặc có nơi, chỉ cần khách hàng nói đang ở địa điểm nào sẽ có nhân viên cho vay đến gặp.
Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, không ít người đã trở thành “con nợ” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng loại hình cho vay không cần thế chấp. Đây là hoạt động tín dụng “đen” vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.
“Mặc dù Công an tỉnh chủ động tuyên truyền, lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hiện nay công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương rà soát những băng nhóm cho vay nặng lãi gây mất an ninh trật tự để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá”, Đại tá Sơn nói.