Tiền vay hay tiền chuyển nhượng nhà máy?
Tuy nhiên, do nhà máy gạch chưa hoạt động, không đủ điều kiện vay vốn nên các ngân hàng từ chối. Sau đó được người giới thiệu, hai chị em gặp và vay của ông Trần Xuân Đường (ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) 5 tỉ đồng để hoạt động nhà máy. Thời gian vay 70 ngày, tính từ ngày 13/07/2015, tức tới tháng 9/2015 phải trả tổng nợ gốc lẫn lãi 6 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo khoản vay là toàn bộ nhà máy gạch tại ấp Ông Hường rộng 20.000 m2, trị giá hơn 30 tỉ đồng.
Khi cho vay tiền, ông Đường bị cho là đặt ra hai lựa chọn cho bên vay: Hoặc vay nóng tính lãi ngày rất cao; Hoặc phía ông Đường sẽ giúp vay ngân hàng, phương án này tính lãi thấp nhưng phải sang tên đổi chủ toàn bộ nhà máy gạch, giấy phép kinh doanh sang cho ông Đường để đảm bảo.
Mới bắt đầu sản suất, lo sợ lãi suất quá cao nên hai chị em đã chọn phương án nhờ ông Đường đứng ra vay tiền ngân hàng giúp. Cụ thể phía ông Đường sẽ vay ngân hàng từ 5 - 7 tỉ đồng cho ông Tấn, bà Tuyết trong vòng 30 ngày. Sau khi được giải ngân, ông Đường sẽ lấy lại tiền gốc lẫn lãi và chi phí phát sinh, đồng thời chuyển trả lại nhà máy. Còn ông Tấn, bà Tuyết có trách nhiệm trả nợ vay ngân hàng.
Chưa hết, ông Đường bị cho là còn yêu cầu ông Tấn, bà Tuyết phải làm thủ tục chuyển tên người đại diện pháp luật của Công ty Tân Thuyết sang cho ông Đường để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn. Ông Tấn sau đó ký cam kết, đồng thời thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty cho ông Đường đứng tên làm đại diện pháp luật.
Nội dung cam kết được hai bên thỏa thuận: Sau khi Công ty Tân Thuyết trả hết nợ gốc lẫn lãi khoản vay, ông Đường sẽ chuyển đổi, trả lại chủ quyền nhà máy gạch cũng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tân Thuyết cho ông Tấn, bà Tuyết.
Theo ông Tấn, bà Thuyết, sau khi làm các thủ tục trên họ chỉ nhận được từ ông Đường 4 tỉ đồng, tiền vay được chuyển làm 3 đợt.
Hình sự hay dân sự?
“Hợp đồng chuyển nhượng vốn công ty là quan hệ giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền”, ông Tấn viết trong đơn kêu cứu. Không chỉ giấy tờ liên quan đã sang tên đổi chủ mà ngay cả con dấu công ty, ông Tấn cũng giao luôn cho ông Đường vì lý do người này cần đóng dấu ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng. Sau khi bà Tuyết nhận từ ông Đường 4 tỉ đồng và hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu công ty, ông Đường đã không làm hồ sơ vay ngân hàng như thỏa thuận ban đầu.
Hơn một tháng sau (chưa tới hạn trả nợ), tháng 8/2015, ông Đường bất ngờ thông báo ủy quyền cho người khác vào tiếp quản nhà máy gạch. Theo ông Tấn, người của ông Đường kiểm soát, gây khó dễ bằng nhiều cách như tự động lấy gạch bán, ngăn cản khách hàng đến mua bán vận chuyển gạch khiến bên vay tiền gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không thể đủ tiền trả nợ đúng hạn.
“Ngay từ đầu, họ đã lợi dụng lòng tin của chúng tôi rồi có kế hoạch từng bước chiếm lấy nhà máy, công ty”, bà Tuyết tố cáo.
Ông Tấn kể, ngày 14/8/2015, tức là sau 30 ngày theo cam kết, ông Đường đã không làm hồ sơ vay ngân hàng mà còn dùng pháp nhân Công ty Tân Thuyết ký giấy ủy quyền cho nhiều nhóm người lạ mặt ở Hải Phòng và TP HCM vào chiếm giữ nhà máy gạch. Tại thời điểm này, gạch trong nhà máy có 4 triệu viên, trị giá khoảng 2,5 tỉ đồng.
Không những thế, ông Đường bị cho là còn đưa nhiều người đến nhà máy tập hợp toàn bộ công nhân thông báo mình là chủ nhà máy, công nhân ai không làm yêu cầu ra khỏi nhà máy. Tiếp theo, ông Đường cho tháo bảng tên Công ty Tân Thuyết xuống và treo bảng một pháp nhân khác có địa chỉ ở Bình Dương và bắt đầu tổ chức sản xuất, kinh doanh cho đến nay.
Ông Tân, bà Tuyết đã làm đơn tố giác tới cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai và đề nghị khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, phía CQĐT có thông báo trả lời: Công an và VKS tỉnh Đồng Nai thống nhất không khởi tố vụ án hình sự, bởi tranh chấp nhà máy gạch là quan hệ dân sự. Cơ quan chức năng hướng dẫn ông Tân, bà Tuyết khởi kiện dân sự.
Ông Tấn, bà Tuyết tiếp tục kêu cứu, khiếu nại quyết định của cơ quan công an. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 2/2016, ông Đường đã ký hợp đồng bán nhà máy gạch cho cho một người ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) nêu quan điểm:
“Thực tế, hai bên có hợp đồng vay mượn tiền, theo đó, ông Tấn, bà Tuyết sử dụng tài sản là nhà xưởng làm vật bảo đảm và đồng ý để ông Đường thực hiện thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật. Trong giao dịch này các bên vẫn chưa thực hiện xong quyền và nghĩa vụ cho nhau, cụ thể là ông Đường vẫn chưa dùng tài sản mà ông Tấn vừa chuyển tên để thế chấp vay vốn tại ngân hàng như đã thỏa thuận, và ông Tấn cũng chưa bàn giao nhà xưởng cho ông Đường thì ông Đường nên làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Việc ông Đường cho người thực hiện hành vi uy hiếp, đe dọa dùng vũ lực đuổi nhân viên của ông Tấn ra khỏi nhà xưởng, mục đích là buộc người của bà Tuyết phải bàn giao tài sản là nhà máy gạch, có dấu hiệu phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự”.