Riêng phát quyết của tòa đã nợ 4,3 tỷ đồng
Vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Mai Thị Duyên, ông Lê Văn Đưởng và bà Nguyễn Thị Lái (đều trú tại huyện Hải Hậu, Nam Định) với nội dung: Từ năm 2012 trở lại đây, ông Phạm Ngọc Diệp – Bí thư Đảng ủy Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cùng vợ là bà Phạm Thị Thúy Ngoan - nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Yên Định đã lợi dụng niềm tin của nhân dân để vay mượn, lừa dối chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Cụ thể, theo lời kể của bà Duyên, bà và vợ chồng ông Diệp vốn là bạn bè thân thiết với nhau từ nhỏ. Năm 2012, khi đó gia đình bà Duyên đang kinh doanh vàng bạc thì vợ chồng ông Diệp có đến hỏi vay bà khoảng 3 tỷ đồng để mua đất.
Vốn là bạn thân với nhau, ông Diệp cũng từng nhiều lần vay nóng tiền của bà Diệp rồi lại trả luôn nên lần này bà cũng tin tưởng và đem hết vàng bạc đi bán, gom tiền cho ông Diệp vay.
“Nhiều lần ông Diệp vay tôi vài trăm triệu rồi năm bữa nửa tháng lại trả luôn, lần này ông lại hỏi thì tôi cố gom tài sản trong nhà cho ông vay được khoảng 3 tỷ đồng, thời hạn vay một tháng, lãi suất thỏa thuận. Hết thời gian vay mượn không thấy ông Diệp trả tiền, tôi nhắc khéo thì ông hứa đợi đất bán được giá, đợi bầu cử xong thì sẽ trả. Tưởng ông giữ lời nên tôi cũng chờ, ai ngờ mất luôn”, bà Diệp bức xúc cho biết.
Sau nhiều lần tìm cách đòi tiền vợ chồng ông Diệp, năm 2015, ông Diệp mới chịu trả cho bà Duyên khoảng 30 triệu đồng, kể từ đó trở đi vợ chồng ông Diệp chây ì nhất định không trả thêm đồng nào.
Cũng rơi vào cảnh khi cho vợ chồng ông Diệp vay thì dễ nhưng khi đòi thì không chịu trả, theo bà Nguyễn Thị Lái cho biết, bà vốn làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Hải Phong (huyện Hải Hậu) nên cũng quen biết với vợ chồng ông Diệp. Do đó vào năm 2012, khi vợ chồng ông Diệp đề nghị bà cho vay tiền và trả lãi cao thì bà cũng tin tưởng cho ông Diệp vay gần 800 triệu đồng.
“Do bà Ngoan là bạn cùng làm tín dụng với nhau, còn ông Diệp lại là lãnh đạo thị trấn nên khi vợ chồng ông Diệp hỏi vay tiền, tôi cũng vay chỗ nọ chỗ kia cho họ vay lại, ai ngờ sau đó hai vợ chồng ông Diệp lại lừa dối tôi không trả. Tính đến nay tôi phải trả đạy cả gốc lẫn lãi hơn 2 tỷ đồng rồi”, bà Lái đau xót kể.
Giống bà Duyên và bà Lái, ông Phạm Văn Đưởng cho biết, do có mối quan hệ với bố mẹ bà Ngoan nên ông biết vợ chồng ông Diệp đã lâu.
Năm 2012, vợ chồng ông Diệp đến nhà ông hỏi vay 2 tỷ đồng để "chạy" dự án. Tin tưởng ông Diệp, ông Đưởng vét sạch tiền trong nhà và huy động thêm anh em được tổng số tiền 950 triệu đồng cho ông Diệp vay với lãi suất 3,9% một năm.
“Từ khi tôi cho ông Diệp vay tiền, đến cuối năm 2013, sau nhiều lần đòi, ông Diệp trả tôi được 345 triệu. Số còn lại khoảng 600 triệu thì đòi mãi từ đó đến nay vợ chồng ông nhất định không trả”, ông Đưởng thở dài cho biết.
Cho vay số tiền lớn, đòi dai dẳng năm này qua năm khác nhưng vợ chồng ông Diệp vẫn không chịu trả, cực chẳng đã, năm 2017, bà Duyên, bà Lái và ông Đưởng làm đơn khởi kiện vợ chồng ông Diệp ra Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu đòi số nợ trên.
Qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ngày 9/8/2017, tại cấp xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã tuyên buộc bà Phạm Thị Thúy Ngoan phải có trách nhiệm trả cho bà Mai Thị Duyên số tiền 2.97 tỷ đồng.
Trước đó, cũng trong một phiên tòa khởi kiện đòi tài sản khác, vợ chồng ông Diệp bị TAND tỉnh Nam Định buộc phải trả cho ông Phạm Văn Đưởng số tiền 605 triệu đồng. Cùng với đó, vợ chồng ông Diệp cũng phải đồng ý thỏa thuận trả cho bà Nguyễn Thị Lái số tiền 788 triệu đồng.
Như vậy chỉ tính riêng năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu và Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành 3 bản án yêu cầu vợ chồng ông Phạm Ngọc Diệp và bà Phạm Thị Thúy Ngoan với tổng số tiền phải trả lên tới hơn 4,3 tỷ đồng.
Sẽ cưỡng chế tài sản
Sau khi ba bản án có hiệu lực pháp luật, mặc dù là Bí thư của một thị trấn và am hiểu pháp luật, thế nhưng khi bà Duyên, Lái, ông Đường gửi đơn đề nghị thi hành án lên Chi cục Thi hành án huyện Hải Hậu đề nghị thi hành án, mặc dù được Chi cục thi hành án tạo điều kiện cho tự nguyện thi hành án, nhưng vợ chồng ông Diệp vẫn chây ì không chịu thi hành bản án, gây khó khăn cho cơ quan chức năng để đến mức phải lên kế hoạch cưỡng chế.
Bản án của 3 vụ án |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Gia Luật – Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Hải Hậu cho biết, mặc dù ông Diệp là Bí thư của thị trấn nhưng nếu ông Diệp vi phạm pháp luật thì vẫn sẽ phải thực thi theo pháp luật. Tuy nhiên, dưới cương vị của một người lãnh đạo, ông Diệp nên tự nguyện thi hành án để các cơ quan chức năng không phải tiến hành hội họp lên kế hoạch cưỡng chế, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
“Ngay khi có đơn yêu cầu thi hành án chúng tôi cũng đã có quyết định thi hành án và tống đạt tới các đương sự các quyết định theo đúng qui định của pháp luật. Hiện chúng tôi đã tổ chức triển khai xác minh tài sản của ông Diệp.
Chúng tôi cũng đã có báo cáo chính quyền địa phương và đồng thời cũng đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế dự kiến là tháng 7. Đây là một vụ án được nhân dân địa phương rất quan tâm, do đó Chi cục thi hành án dân sự huyện Hải Hậu đã và đang thực hiện một cách rất tích cực”, ông Lê Gia Luật khẳng định.
Đứng trước sự hoài nghi của nhiều người về việc có hay không sự can thiệp của một số “thế lực vô hình” khiến việc thi hành án chưa được diễn ra?. Ông Lê Gia Luật phủ nhận hoàn toàn và khẳng định không chịu bất cứ tác động nào trong quá trình thi hành án.
“Tinh thần là không ai có thể trên pháp luật cả. Cơ quan thi hành án không có một áp lực nào cả. Các đồng chí ở địa phương và cả lãnh đạo đều ủng hộ. Mặc dù, trong quá trình làm có một vài cá nhân trong quá trình phối hợp có nhận thức chưa được đúng.
Việc của chúng tôi là xây dựng kế hoạch cưỡng chế và khi có được sự nhất trí của tổ chức, ban chỉ đạo nhất trí thì chúng tôi sẽ tổ chức buộc người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan phải thi hành. Buộc phải thực hiện, không có chuyện không thực hiện được”, ông Luật cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với cương vị là Bí thư của một thị trấn, bên cạnh việc ông Diệp Tòa án tuyên phải hoàn trả hơn 4,3 tỷ đồng cho bị hại, ông Diệp còn bị tố cáo có những hành vi liên quan tới việc cho vay theo kiểu tín dụng đen, gây mất đoàn kết nội bộ tại địa phương, vi phạm nghiêm trọng những điều trong Quy định số 47 – QĐ/ TW về những điều Đảng viên không được làm.
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.