Trả tiền thật, nhận khách sạn… ảo
Mùng 3 - 8 Tết Nguyên đán được xem là dịp cao điểm du lịch xuân. Nhu cầu về phòng ốc, điểm lưu trú tăng cao. Nhiều điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang đã diễn ra tình trạng “cháy phòng”. Đánh vào tâm lý này, nhiều đối tượng đã bày ra những chiêu trò tạo điểm lưu trú “ảo” để lừa tiền người dân.
Các đối tượng lập một số trang mạng sử dụng hình ảnh của các điểm lưu trú khác, đăng tải thông tin và “đổ” tiền quảng cáo để tiếp cận khách hàng. Thấy mức giá hấp dẫn, hình ảnh đẹp, nhiều du khách mắc lừa, đặt cọc tiền, nhưng khi đến nơi thì không tìm được địa chỉ điểm lưu trú, cũng không thể liên lạc với người cho thuê.
Như vợ chồng anh Lâm Bảo Nam ở TP Hồ Chí Minh đã đặt cọc thuê biệt thự nguyên căn cho 12 người tại TP Vũng Tàu vào 3 ngày mùng 4 - 7 Tết. Mức giá cho thuê là 6 triệu đồng/ngày, 3 ngày là 18 triệu đồng, anh Nam được yêu cầu đặt cọc 50% số tiền. Vì quá ưng ý hình ảnh căn villa tầm nhìn ra biển, nội thất rất sang trọng, sân vườn rộng, giá “hời”, anh Nam đã nhanh chóng đặt cọc. Tuy nhiên, trưa mùng 4 Tết, đại gia đình đến địa chỉ được hướng dẫn tại Vũng Tàu thì không tìm ra căn biệt thự, vào tin nhắn thì đã bị tài khoản cho thuê chặn. Cả nhà đành tìm nơi ở khác và mất trắng số tiền cọc.
Tương tự, những ngày trong Tết, trên các hội nhóm tại TP Đà Lạt liên tục có những du khách đưa lời “kêu cứu” vì bị lừa, đặt cọc nhưng lên đến nơi không có phòng, phải lang thang tìm phòng giữa thời tiết lạnh giá. Nhiều du khách đã bị lừa mất tiền đặt cọc còn phải chật vật tìm kiếm nơi ở mới, thậm chí tìm phải những điểm lưu trú tồi tệ, chụp giật, bị “chặt chém” vì đến vào phút cuối.
Anh Bảo Nam chia sẻ: “Thực sự họ làm giả rất giống, lập cả Fanpage có website đàng hoàng, hình ảnh phòng ốc đẹp sang trọng, tư vấn rất kĩ lưỡng nên tôi không thể ngờ là mình bị lừa như thế. Đây là một kinh nghiệm để đời, một trải nghiệm tồi tệ của gia đình khi đi du lịch mùa Tết”. Sau khi bị lừa, gia đình anh Nam vì khó tìm ra chỗ ở ưng ý nên đã quyết định chỉ ăn uống, vui chơi đến tối rồi quay lại TP Hồ Chí Minh.
Nhận diện các chiêu lừa
Không chỉ cảnh giác với lừa đảo đặt phòng, mùa Tết, người dân còn dễ gặp các hình thức lừa đảo như đặt tour du lịch trải nghiệm, đặt thuê xe… cũng với chiêu trò quảng cáo, nhận cọc như trên.
Những hành vi lừa đảo đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của du khách, khiến doanh thu du lịch các địa phương giảm sút, gây mất uy tín của cả các điểm lưu trú làm ăn chân chính. Một khu lưu trú - trải nghiệm nổi tiếng ở Đà Lạt vừa qua đã bị lấy cắp dữ liệu hình ảnh, thông tin để lừa đảo du khách. Từ đó, khu du lịch bị “vạ lây, bị nhiều tài khoản trên mạng chỉ trích lừa đảo và đánh giá xấu.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ chuỗi khách sạn The Circle Việt Nam và biệt thự La’Yên chia sẻ: “Thời gian qua, các vụ việc lừa đảo dịch vụ lưu trú, du lịch nở rộ, cao điểm nhất là dịp Tết. Những ngày Tết, cơ sở lưu trú của chúng tôi cũng nhận không ít lời “kêu cứu” của du khách vì bị lừa, không có nơi ở. Dù chuỗi đã kín phòng, chúng tôi cũng nỗ lực tìm kiếm các điểm có chất lượng, giá cả ổn định để hỗ trợ giới thiệu cho du khách. Những hành vi lừa đảo nói trên khiến chúng tôi cũng ảnh hưởng không nhỏ. Như căn biệt thự của chúng tôi đang kinh doanh, nhiều khách cho biết muốn thuê, nhưng tiền cọc cao, họ sợ bị lừa đảo nên không dám quyết. Chúng tôi cũng phải bằng nhiều cách thuyết phục du khách về uy tín của mình khách hàng mới đồng ý”.
Theo chia sẻ kinh nghiệm từ chị Hằng, để tránh tình trạng rơi vào bẫy lừa đảo du lịch, khách hàng nên kiểm tra thật kĩ điểm lưu trú, dịch vụ du lịch trước khi chuyển khoản; phải xem lịch sử của website xem thành lập bao lâu, có uy tín hay không, có khách hàng để lại phản hồi tốt hay không. Đồng thời, khi được cung cấp địa chỉ khách sạn, cần cẩn thận kiểm tra lần nữa trên Google map xem địa điểm đó có tồn tại thật sự hay không. Nếu đặt phòng qua các trang, dịch vụ trung gian cũng cần kiểm tra uy tín các đơn vị này. Đặc biệt, khách hàng cần tỉnh táo trước những “miếng mồi” dịch vụ hấp dẫn nhưng giá rẻ nhiều so với thị trường.