Facebook Lan Trinh Nguyễn quảng cáo bán táo Quản Bạ - Hà Giang vì người nhà trồng được nên “chia sẻ” cùng mọi người mua cùng ăn cho “an toàn”. Tuy nhiên, đứng trước lời quảng cáo thiếu cơ sở đó có rất nhiều người đã đứng ra để chứng minh lời quảng cáo trên là lừa dối khách hàng và sản phẩm được bán không hề có nguồn gốc xuất xứ như chủ hàng đã quảng cáo.
Facebook Cô Giàng (người Hà Giang) khẳng định: “Hà Giang nói chung và Quản Bạ nói riêng đều không hề trồng được táo. Chính vì vậy nếu bán táo mà gắn mác Hà Giang thì chắc chắn đấy là táo Trung Quốc”.
Cùng chung sự bức xúc đó, chị Bảo Anh (ở Quản Bạ - Hà Giang) viết: “Do đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng mà Hà Giang năm nay, năm sau và mãi mãi sau nay khó mà trồng được táo để bán. Nhiều người cố tình bao biện là táo trồng được ở địa hình giáp biên, tuy nhiên thực tế táo thuộc về địa hình sâu trong nội địa”.
Chị Trọng Hường nói: “Táo Hà Giang mỗi lần về 1 tạ, mà tuần về một lần. Thế nhưng chả thấy báo đài nào đưa tin người dân Quản Bạ làm giàu từ táo. Hơn nữa, mình quê Quản Bạ ở đây đã trồng được táo đâu mà không hiểu chủ hàng lấy đâu ra được nhiều táo để bán như vậy”.
Tuy nhiên, không ai cũng đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề như chia sẻ của bạn Trọng Hường kể trên. Chính vì lẽ đó mà từ trước đến nay nhiều người đã không biết hoặc không hề để ý đến nguồn gốc xuất xứ mà chỉ cần dựa vào “của nhà trồng được” là sẵn sàng bỏ ra 50 nghìn đồng, thậm chí là hơn để mua một loại thực phẩm kém chất lượng hoặc nguồn gốc xuất xứ “mờ ám” về để tiêu thụ.
Đây là hồi chuông để cảnh báo người tiêu dùng nhằm nhắc nhở họ tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình cũng như cảnh giác với những quảng cáo bán hàng đội lốt “người nhà” trồng/nuôi được nên rất “an toàn”.
Lí do nhiều người cùng đăng đàn để “vạch áo” táo Hà Giang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội là vì nhiều người quan ngại là nếu nhỡ như loạt táo Trung Quốc gắn mác Hà Giang đó kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sự uy tín của người nông dân Hà Giang về lâu về dài, về cả những sản phẩm chân chính khác mà người Hà Giang làm được.
Chỉ cần phát hiện trong táo có chất kích thích, lập tức người tiêu dùng sẽ quay lưng với nông sản Hà Giang và nghi ngờ người dân ở đây mà họ không hề biết rằng họ đang bị chính những thương lái “dắt mũi”. Cuối cùng, mọi thiệt thòi đều thuộc về người nông dân.