Theo phân tích của các chuyên gia pháp luật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định về thu hồi rừng trong Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) được thiết kế tương tự như quy định về thu hồi đất trong Luật Đất đai. Mặc dù rừng luôn gắn liền với đất, song cách tiếp cận này không hợp lý xuất phát từ sự khác biệt căn bản giữa hai loại tài nguyên là đất đai và rừng.
Thứ nhất, về bản chất, đất đai là tài nguyên bề mặt, nên toàn bộ đất đai là tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất do con người chủ động lấn biển thì cũng là tài nguyên thiên nhiên, nên toàn bộ đều thuộc sở hữu toàn dân, không có sở hữu tư nhân. Còn rừng có thể là rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng, do đó, tồn tại rừng thuần túy thuộc sở hữu tư nhân.
Thứ hai, đất đai có đặc tính không tiêu hao, việc khai thác sử dụng đất không làm suy chuyển diện tích bề mặt của tài nguyên đất đai. Ngược lại, rừng là tài sản tiêu hao, một số hình thức khai thác rừng như tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, khai thác lâm sản ngoài gỗ không làm tiêu hao rừng, nhưng việc khai thác gỗ hoặc sự cố cháy rừng sẽ làm tiêu hao tài sản. Nếu rừng đã bị khai thác lấy gỗ thì không thể thu hồi.
Do đó, việc giao, cho thuê và thu hồi rừng có nhiều nét giống với việc quản lý công sản là công trình xây dựng hơn là so với đất đai. Từ nhận định trên, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng cần được chỉnh sửa.
Cụ thể, nếu việc chuyển sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân không xác định thời hạn mà không cho phép khai thác gỗ rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) thì cần được gọi là giao rừng.
Nếu việc chuyển sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân mà có xác định thời hạn mà không cho phép khai thác gỗ thì gọi là cho thuê rừng.
Nếu việc chuyển sở hữu từ nhà nước sang tư nhân mà cho phép khai thác toàn bộ gỗ rừng (rừng sản xuất), kể cả có thời hạn hay không có thời hạn thì phải được gọi là bán rừng. Thời hạn ở đây chỉ có ý nghĩa là thời hạn giao đất, cho thuê đất với mục đích sử dụng đất là trồng rừng chứ không thể hiểu là thời hạn cho thuê rừng.
Các hợp đồng hoặc quyết định giao, cho thuê, bán rừng này cần được thể hiện đúng bản chất của các giao dịch giao, cho thuê, bán tương ứng.
Tương tự, đối với việc thu hồi rừng, cũng cần xác định chính xác bản chất của việc này. Nếu việc chuyển sở hữu từ tư nhân sang Nhà nước đối với rừng đã được giao, cho thuê như trên thì được gọi là thu hồi rừng. Nếu việc chuyển sở hữu từ tư nhân sang Nhà nước đối với rừng không thuộc trường hợp trên thì phải được gọi là trưng mua rừng, và thực hiện theo pháp luật về trưng mua tài sản.
“Rõ ràng, đối với trường hợp rừng thuộc sở hữu của tư nhân thuộc trường hợp do tư nhân đầu tư phát triển hoặc tư nhân đã nhận chuyển nhượng từ Nhà nước mà được phép khai thác gỗ thì đây thuần túy là tài sản của tư nhân và chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản của mình. Việc Nhà nước muốn lấy lại vì bất kỳ lý do gì thì đều phải được coi là trưng mua tài sản” – văn bản góp ý của VCCI gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.
Sửa đổi cách thức thu tiền dịch vụ môi trường rừng
Điều 88.3 của Dự thảo quy định chính việc chi trả dịch vụ môi trường rừng gián tiếp là “Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho Quỹ để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.” Quy định này dẫn đến tình trạng thời gian vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã nhận ủy thác của bên chi trả, nhận tiền về, nhưng không xác định được hoặc không tiến hành chi trả cho chủ rừng, gây tình trạng thừa Quỹ, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Việc bắt người thụ hưởng dịch vụ trả tiền trước, mà chưa xác định được chủ rừng hoặc không chi trả thực tế cho chủ rừng sẽ khiến chính sách này trở nên vô nghĩa.
Về bản chất, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng chỉ phát sinh khi có người thụ hưởng từ rừng và việc chi trả sẽ khiến chủ rừng có thêm động lực để trồng rừng, bảo vệ rừng. Do đó, cần sửa đổi theo hướng bên chủ rừng sẽ ủy thác cho Quỹ để tiến hành việc thu hộ tiền dịch vụ môi trường rừng, sau đó Quỹ mới tiến hành thu của người thụ hưởng dịch vụ. Cơ chế này mới đúng bản chất về chi trả dịch vụ môi trường rừng và có tác dụng thực chất trong việc kích thích chủ rừng đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.