Cần xác định rõ trách nhiệm khi lãnh đạo UBND các cấp vắng mặt khi tiếp xúc cử tri

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 về việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị cần bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm khi lãnh đạo UBND các cấp không dự hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH để tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, đa số đại biểu đồng tình với báo cáo của Đoàn ĐBQH, đồng thời kiến nghị các ĐBQH cần mở rộng, tăng cường đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri; cần có cơ chế tiếp xúc cử tri rõ ràng, chặt chẽ; hoàn thiện cơ chế về thành phần cử tri dự các hội nghị tiếp xúc bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khắc phục tình trạng cử tri đến hội nghị chỉ vì mục đích khiếu nại, tố cáo hoặc tình trạng cử tri chủ yếu là lãnh đạo hay cử tri “chuyên nghiệp”…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao việc các ĐBQH tiếp xúc cử tri ở những địa bàn khó khăn, phức tạp. Đoàn ĐBQH cũng đã tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri bằng cách phân công các ĐBQH ở các đơn vị ngoài ứng cử. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, việc tiếp xúc cử tri cần có quy định rõ ràng, cần bổ sung các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri cụ thể; có báo cáo hình thức, phương thức, địa điểm tổ chức với cấp trên trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cần tiếp tục rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, trách nhiệm của UBND các cấp cử đại diện tham dự, tiếp thu và giải quyết kiến nghị làm sao cho hài hòa và thực chất. Đồng thời, cần phân loại đơn khiếu nại, tố cáo để giải quyết và trả lời nhân dân nhằm đưa công tác giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo cho người dân được rõ ràng và đúng quy định.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sau 5 năm thực hiện, Đoàn ĐBQH TP đã tích cực phối hợp với UBND TP, Thành ủy, HĐND TP, các sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết 525. Khi thực hiện, Hà Nội đã có nhiều cách làm tốt, cách làm hay nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Tuy nhiên, việc tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều bất cập yếu kém như việc trả lời kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương còn chậm, một số nội dung trả lời ý kiến cử tri còn chung chung,…

Qua đó, ông Ngọ Duy Hiểu yêu cầu các ĐBQH cần thấy rõ trách nhiệm của mình sau tiếp xúc cử tri để giải quyết các ý kiến mà cử tri đã nêu; tiếp tục có các hình thức tiếp xúc cử tri phong phú và hiệu quả; việc tiếp thu và giải quyết kiến nghị, công tác điều hành cần tập trung khắc phục đổi mới tư duy theo nguyên tắc tập trung dân chủ..

Đọc thêm