Cần xem lại vai trò đồng phạm trong vụ án tại Cty CP Chứng khoán Tràng An

(PLO) - Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2016, TAND TP  Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP Chứng khoán Tràng An để xem xét vai trò đồng phạm và tội danh của một số bị cáo.
Hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán tại TAS
Hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán tại TAS

Theo bản Cáo trạng mới đây thì VKSND TP Hà Nội đã chuyển tội danh truy tố đối với các bị can thành “sử dụng trái phép tài sản”. Tuy nhiên, trong số 5 bị cáo thì bị cáo Nguyễn Chí Dũng vẫn cho rằng mình không hề phạm tội vì không đồng phạm.

Sử dụng trái phép trên 200 tỷ đồng 

Theo Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, vào năm 2010, Lê Hồ Khôi- Tổng Giám đốc Cty CP Chứng khoán Tràng An (TAS) đã bàn bạc với Trịnh Văn Toàn (Phó Tổng Giám đốc) chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập hồ sơ khống của 24 khách hàng rồi thực hiện ký hợp đồng “ủy thác đầu tư để vay tiền”, “hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh”, ứng trước tiền bán chứng khoán đã khớp lệnh” với các tổ chức tín dụng: Cty Tài chính CP Điện lực, Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội (trước đây là HBB, nay là SHB) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển- Chi nhánh Hai Bà Trưng với tổng số tiền là trên 205 tỷ đồng.

Sau khi được các Tổ chức tín dụng trên giải ngân cho các khách hàng vào tài khoản của TAS, Lê Hồ Khôi, Trịnh Văn Toản cùng các đồng phạm là Lê Thị Ngọc Lan (SN 1978, nguyên Trưởng phòng Kế toán TAS), Lê Quang Hưng (SN 1980, nhân viên kế toán). Nguyễn Trí Dũng (SN 1982, Phó Giám đốc Phòng Môi giới - Giao dịch)  đã sử dụng 205 tỷ cho việc trả nợ và công việc kinh doanh của TAS.

Đến nay, các bị can đã khắc phục được trên 154 tỷ đồng và còn phải trả cho các tổ chức tín dụng trên 51 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trong giai đoạn điều tra vừa qua thì bị can Nguyễn Chí Dũng luôn cho rằng mình bị khởi tố, truy tố oan vì không có hành vi đồng phạm với các bị cáo khác. Tuy nhiên, VKSND TP Hà Nội vẫn cho rằng bị can Dũng đã theo sự chỉ đạo của Khôi để phối hợp với Nguyễn Thị Ngọc Lan lập khống và xác nhận khống 12 báo cáo tổng hợp tài khoản chứng khoán (THTKCK) của 12 khách hàng (trong đó có 1 báo cáo tổng hợp tài khoản chứng khoán và hồ sơ hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh mang tên Nguyễn Trí Dũng) để TAS hợp thức hồ sơ vay tiền rồi sử dụng trái phép tiền của Cty Tài chính CP Điện lực, HBB.

Nguyễn Chí Dũng có đồng phạm? 

Đáng chú ý là tại Kết luận điều tra số 86 ngày 06/01/2014 của  Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã kết luận Nguyễn Trí Dũng làm việc dưới sự chỉ đạo của Khôi, Toàn và Lan, đã ký xác nhận dưới mục “Giám đốc” trong báo cáo tổng hợp tài khoản chứng khoán của các khác hàng do Lan chuyển đến, thấy có đủ chữ ký của người lập biểu, người kiểm soát nên đã ký, không được các bị can Khôi, Toàn và  Lan bàn bạc trước. Bản thân không được hưởng lợi gì. Xét thấy sai phạm của Dũng chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự nên CQĐT có văn bản kiến nghị chính quyền xử lý hành chính nghiêm khắc”.

Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung (lần 1) thì CQĐT và VKSND TP Hà Nội lại thay đổi nhận định và cho rằng “Để có tiền trả nợ và phục vụ công việc kinh doanh của Cty, Khôi đã bàn bạc với Trịnh Văn Toàn chỉ đạo các nhân viên dưới quyền là Lan, Hưng và Dũng thực hiện việc lập khống hồ sơ… chiếm đoạt tổng 205,57 tỷ đồng…” và “đề nghị truy tố bị can Dũng” với vai trò đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9/2015, các bị cáo Khôi, Toàn và Lan đều có lời khai phủ nhận vai trò đồng phạm của Dũng và khẳng định không có ai bàn bạc hoặc chỉ đạo Dũng lập hồ sơ khống để vay tiền… Lời khai này hoàn toàn phù hợp với đánh giá tại Kết luận điều tra số 86 ngày 06/01/2014 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.  

Như vậy, có thể thấy trong vụ án này, Dũng và một số cán bộ trong Công ty TAS đã làm hồ sơ vay vốn là có thật, với mục đích mua chứng khoán đã khớp lệnh. Hồ sơ đúng quy định tại  khoản 2 Điều 3 Hợp đồng hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán số 40/2010/HĐHT-TCĐL-TAS và tại Giấy đề nghị hợp tác đầu tư của từng cá nhân vay tiền. Nếu bên vay và bên cho vay căn cứ vào số liệu giao dịch tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh tại Báo cáo THTKCK do Dũng ký thì thiệt hại không thể xảy ra. Số tiền thực mua chứng khoán đã khớp lệnh do Dũng ký tại 11 Báo cáo THTKCK chỉ  là trên 7,2 tỷ đồng nhưng sau đó Cty CP Tài chính Điện lực đã giải ngân theo Thông báo giải ngân do Khôi và Lan lập có số liệu khống  trên  97 tỷ đồng. 

Ngoài ra, theo diễn biến của vụ việc thì Nguyễn Trí Dũng không được sử dụng tài sản tại bất cứ giai đoạn nào. Dũng chỉ có hành vi duy nhất là ký bản Báo cáo THTKCK. Tuy trong báo cáo có phần sai sót nhưng sai sót không liên quan đến việc giải ngân. Phần liên quan đến việc giải ngân thì có số liệu đúng nhưng không được lãnh đạo Cty CP Chứng khoán Tràng An (Bên vay) và  Công ty CP Tài chính Điện lực (Bên cho vay) sử dụng…

Hơn nữa, Báo cáo THTKCK là loại văn bản không có giá trị pháp lý và không phải là tài liệu quy định phải có trong hồ sơ vay vốn. Tài liệu này không phải là căn cứ giải ngân nên người ký không phải chịu trách nhiệm về việc giải ngân khống của hai pháp nhân (với số tiền trên 97 tỷ đồng). 

HĐXX TAND TP Hà Nội đã từng trả hồ sơ điều tra bổ sung và có yêu cầu xem xét yếu tố đồng phạm trong vụ án này. Thiết nghĩ, yêu cầu này cần được các cơ quan tiến hành xem xét, đánh giá một cách chính xác để xét xử vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội và không oan sai.

Đọc thêm