Cần xét lại vụ án tranh chấp đất Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Những dấu hiệu sai phạm trong vụ án dân sự này cần được xem xét lại nhằm đảm bảo tính khách quan và sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo trình bày của bà Phạm Thị Vẽn (SN 1929), ngụ ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, mảnh đất lúa tranh chấp theo đo đạc là 7.560,07m², thửa đất 75, bản đồ số 14, tại ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, do ông Tộc (anh trai bà) canh tác.

Năm 1993, ông Tộc cố đất cho ông Cao Văn Tuấn. Ngày 29/10/1993, bà chuộc lại hết 7,5 chỉ vàng. Năm 1994, bà cho vợ chồng ông Lâm Văn Hùng thuê canh tác. Vợ chồng ông Hùng đã đăng ký quyền QSDĐ nên bà đòi lại.

Còn ông Hùng và vợ là Trần Mỹ Lan trình bày: Nguồn gốc đất do Nhà nước đưa vào tập đoàn, sau đó được giao cho ông Tộc; được vợ chồng ông chuộc lại với giá 7,5 chỉ vàng và canh tác từ năm 1994; đồng thời kê khai, đóng thuế đầy đủ nên ngày 4/9/1996 UBND huyện Hồng Ngự đã cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN).

Ngày 12/5/2005, TAND huyện Hồng Ngự sơ thẩm buộc vợ chồng ông Hùng trả lại đất cho bà Vẽn. Án Phúc thẩm ngày 22/11/2005 của TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên giữ nguyên GCN của ông Hùng. Tại Quyết định Kháng nghị số 167/2008 (02/7/2008) và Quyết định Giám đốc thẩm của TANDTC, đều nhận định: Tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ trong quá trình sử dụng đất từ năm 1996 đến năm 2004 giữa bà Vẽn và vợ chồng ông Hùng có tranh chấp không?

Việc cấp GCN cho ông Hùng có được UBND cấp có thẩm quyền thực hiện đúng pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục không?, khi ông Hùng làm thủ tục kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà Vẽn có biết và có ý kiến gì không? Do đó, TANDTC đã huỷ hai bản án trên giao TAND huyện Hồng Ngự xét xử lại.

Ngày 11/6/2010, TAND huyện Hồng Ngự sơ thẩm lại buộc ông Hùng, bà Lan trả lại đất cho bà Vẽn. Ngày 15/12/2010, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên xét xử và y án sơ thẩm.

Vụ án này có nhiều dấu hiệu cần được làm rõ. Cụ thể, từ năm 1996 đến năm 2004 giữa bà Vẽn và vợ chồng ông Hùng không xảy ra tranh chấp đất. Việc cấp GCN cho ông Hùng là có căn cứ bởi vợ chồng ông này trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích; Có tên trong hồ sơ địa chính; Có thủ tục công khai kết quả của Hội đồng xét cấp GCN cấp xã. Trong khi, bà Vẽn không trực canh phần đất tranh chấp, không có giấy tờ chứng minh đất này là của cha bà cho bà và cũng không có giấy tờ chứng minh việc cho thuê.....

Tại bản án phúc thẩm ngày 15/12/2010, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định: “ông Hùng, bà Lan không nhân khẩu nông nghiệp thường trú và cũng không cư trú tại xã Bình Thạnh mà đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Hồng Ngự (nay là Thị xã Hồng Ngự). Phần đất tranh chấp, từ trước đến khi ông Hùng, bà Lan kê khai và được cấp GCN thì đất do ông Tộc canh tác.

Ông Hùng, bà Lan không phải là người sử dụng ổn định lâu dài diện tích đất trên. Vì vậy, việc cấp GCN cho ông Hùng là không có căn cứ”.  Điều này mâu thuẫn với Điều 12, Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993: “Đất của hộ gia đình, cá nhân đang canh tác ở ngoài xã thường trú của họ thì được tiếp tục sử dụng số đất đó.

Đất được giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân phải bao gồm cả đất sản xuất nông nghiệp nơi thường trú và đất xâm canh của họ. Những địa phương có đất mà có hộ gia đình, cá nhân nơi khác đến xâm canh thì UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp GCN cho họ”.

Chưa hết, liên quan đến vụ án này, ngày 01/10/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp đã có văn bản với nội dung: Trình tự thủ tục cấp GCN cho ông Hùng là phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm xem xét.

Thiết nghĩ, với những dấu hiệu nêu trên vụ án cần được xem xét lại nhằm đảm bảo tính khách quan và sự nghiêm minh của pháp luật.

Quang Sơn

Đọc thêm