Bí thư Thành ủy Vinh - Phạm Anh Tuấn đã nói như vậy khi trao đổi với PLVN về vụ “mua, bán” tư cách xã viên tại HTX Trung Đô. Theo ông Tuấn, cơ quan chức năng đã “đọc” được bản chất vụ này, đó là: Thông qua việc gia nhập HTX, một nhóm người đang mưu đồ thâu tóm 2 khu “đất vàng”, trị giá hàng trăm tỷ đồng.[links()]
* Thưa ông, ông biết được vụ này từ khi nào và qua “kênh” nào?
- Vừa rồi, UBND phường Trung Đô có báo cáo về việc chuyển đổi mô hình tại Hợp tác xã (HTX) Công nghiệp Trung Đô. Nội dung phản ánh: Ban quản trị HTX Trung Đô tự tổ chức đại hội xã viên và bán cổ phần cho một nhóm đối tượng bên ngoài, khiến hàng trăm xã viên của HTX này bức xúc, gửi hàng trăm đơn thư tới chính quyền.
|
Ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy Vinh. |
Về chủ trương, các HTX hoạt động kém hiệu quả, thì phải chuyển đổi mô hình, nhưng chúng tôi luôn chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi để tránh các cá nhân lợi dụng chủ trương này để trục lợi hoặc “treo đầu dê bán thịt chó”.
* Theo ông, bản chất của cuộc “mua, bán” này là gì ?
- Theo tôi, cái gốc của vấn ở đây chính là giá trị của 2 lô “đất vàng”, chứ việc vào ra HTX của nhóm người này chỉ là hình thức để che đậy. Vì vậy, việc này cần phải làm rõ, nếu không sẽ thành một tiền lệ xấu trong quá trình chuyển đổi mô hình ở các HTX.
* Sự việc này cho thấy, chính quyền các cấp của TP.Vinh đã buông lỏng quản lý. Bằng chứng, sau khi việc “mua bán” HTX diễn ra, thành phố mới biết?
- Tôi không rõ, với chức năng của mình, các phòng, ban chức năng của UBND TP.Vinh quản lý ra sao mà để xảy ra tình trạng như vậy?. Nhưng ngay khi nhận được báo cáo từ cơ sở, Thường trực Thành ủy TP.Vinh đã có cuộc họp, đồng thời giao cho đồng chí Hoàng Đăng Hảo, Chủ tịch UBND TP.Vinh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra để báo cáo lại với Thường trực Thành ủy. Cụ thể, tôi đã yêu cầu làm rõ việc gia nhập HTX và việc mua, bán cổ phần giữa Ban quản trị HTX này với nhóm người bên ngoài.
Thành ủy chỉ đạo rất kiên quyết. Trước đây, trong các kỳ họp Thường vụ, bàn về vấn đề kinh tế, tôi luôn chỉ đạo việc đổi mới phát triển HTX phải đúng nghĩa của nó. Vì bản chất HTX là của những người lao động có thu nhập thập, để phát triển được cần phải có bàn tay của Nhà nước. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phải thông qua thành phố phê duyệt, chứ không phải thích là làm.
|
HTX Trung Đô nhiều năm liền sử dụng đất sai mục đích, nhưng không bị thu hồi. |
Như đã nói, Thành ủy chỉ lãnh lãnh đạo qua cấp ủy chính quyền. Để xảy ra chuyện này, trách nhiệm đầu tiên là cấp ủy, chính quyền phường Trung Đô, vì đã buông lỏng quản lý.
* Điều tra của PLVN cho thấy, tham gia vào vụ này có người nhà của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Vậy quá trình xử lý, ông có bị sức ép hay có “vùng cấm”?
- Tôi cũng có nghe dư luận như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo giải quyết, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm đúng luật. Cá nhân tôi, thì chưa bị một sức ép nào trong quá trình chỉ đạo xử lý vụ này. Còn việc các anh hỏi có “vùng cấm” hay không? theo tôi, là không, bởi đây là câu chuyện mà nhân dân lẫn những cá nhân tham gia việc “mua, bán” HTX này đều biết. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải làm đúng luật, mà đã đúng luật, thì không có bất kỳ một “vùng cấm” nào cả. Nếu nhóm người này làm sai, chắc chắn chúng tôi phải ‘thổi còi”.
PV: Cảm ơn ông!
Sau khi “bán” HTX với giá 7 tỷ đồng, 19 xã viên đã thống nhất chia chác số tiền này như sau: Trích 60% (4,2 tỷ đồng) chi trả cho 19 xã viên có mặt tại thời điểm bán. 40% còn lại ( 2,8 tỷ đồng) chia cho 408 xã viên đã nghỉ việc, nhưng còn có quyền lợi liên quan và 28 người còn cổ phần tại HTX Trung Đô. Cụ thể, 28 xã viên còn cổ phần được nhận 56 triệu đồng. Số còn lại của 40% nói trên (2,74 tỷ đồng) được chia cho 408 xã viên. Trao đổi với PLVN về việc này, ông Trinh Văn Hòa, nguyên Chủ nhiệm HTX Trung Đô, bức xúc: “Đây là một cuộc “mua bán” HTX xã trái quy định - có sự thông đồng giữa Ban quản trị HTX Trung Đô với một nhóm người lắm của nhiều tiền, nhằm chiếm đoạt số tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng, mà lớp lớp các thế hệ xã viên đã gầy dựng nên.” |
Nhóm PV (thực hiện)