Càng cấm thuốc lá thế hệ mới, nạn buôn lậu càng tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế tại nhiều quốc gia đã chứng minh, lệnh cấm thuốc lá thế hệ mới không chỉ không làm cho sản phẩm này biến mất, mà còn gia tăng tỷ lệ tội phạm buôn lậu. Điều này cho thấy, cấm chưa bao giờ là một phương thức tiếp cận đúng đắn và hữu hiệu khi cố gắng ngăn chặn sự hiện diện của thuốc lá nói chung.

Càng cấm thuốc lá điện tử, buôn lậu càng “lộng hành”

Thái Lan là quốc gia ghi nhận nhiều hệ lụy từ việc cấm bán và sử dụng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM). Năm 2014, quốc gia này đã thực thi chính sách cấm thuốc lá điện tử (TLĐT) với mức phạt tối đa lên đến 10 năm tù.

Sau lệnh cấm, một nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy tỷ lệ buôn lậu TLTHM đã tăng đáng kể. Theo The Nation Thailand, quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng doanh số kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp qua Internet nhưng không được đánh thuế. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại Thuốc lá Thái Lan cho thấy, việc buôn lậu trực tuyến các sản phẩm này đã tăng 97% từ tháng 7 đến tháng 9/2022. Chưa kể, chính sách cấm của Thái Lan đã làm khó du khách quốc tế khi vô tình mang TLĐT đến nước này như một số trường hợp xảy ra gần đây.

Tương tự Thái Lan, Singapore phải đối diện với một số hậu quả sau 7 năm áp dụng sắc lệnh cấm TLTHM (từ 2015). Cụ thể, báo cáo của Cục An toàn Thực phẩm và Y tế của Singapore dẫn số liệu từ Cơ quan Khoa học Y tế cho biết, số người bị bắt vào năm 2022 vì sử dụng và sở hữu sản phẩm này tăng gần gấp 4 lần so với năm 2020.

ICA bắt giữ lô hàng nhập lậu hàng chục nghìn sản phẩm TLĐT.

ICA bắt giữ lô hàng nhập lậu hàng chục nghìn sản phẩm TLĐT.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 2/2023, cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cư Singapore (ICA) đã bắt giữ được lô hàng nhập lậu hàng chục nghìn sản phẩm TLĐT. Dù nhận thức rõ khung hình phạt khắc nghiệt lên tới 10.000 đô la Singapore (gần 200 triệu đồng Việt Nam) và 6 tháng tù giam, những kẻ chủ mưu vụ buôn lậu vẫn chấp nhận đánh đổi vì lợi nhuận vô cùng lớn.

Những con số này là thực tế chứng minh, việc cấm các sản phẩm thuốc lá bao gồm TLTHM không làm cho tình trạng tiêu thụ trong nước giảm đi mà lại làm tăng tỷ lệ tội phạm buôn lậu, gánh nặng quản lý cũng như hệ lụy lên sức khỏe người hút thuốc và cộng đồng từ hàng giả, kém chất lượng, thậm chí chứa chất cấm trá hình.

Bài học từ những thay đổi cấp tiến trong quản lý

Vượt ra khỏi khu vực châu Á, New Zealand là quốc gia cũng đã thất bại khi thử nghiệm chính sách cấm TLTHM. Sau đó, Chính phủ nước này đã thay đổi chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia bằng cách cấm thế hệ trẻ sử dụng thuốc lá điếu nhưng được phép sử dụng các sản phẩm TLTHM.

Tháng 9/2021, bà Jacinda Ardern, khi đang giữ cương vị Thủ tướng New Zealand nhận định, việc tiếp tục tăng giá thuốc lá điếu không khiến mọi người ngừng hút thuốc ngay. Vì vậy, nên cân nhắc tìm sản phẩm thay thế, trong đó TLĐT được nhiều người sử dụng như công cụ hỗ trợ để cai thuốc.

Bà Jacinda Ardern.

Bà Jacinda Ardern.

“TLĐT đang tạo ra sự khác biệt cho những người muốn cai thuốc và là một công cụ quan trọng”, bà Ardern thừa nhận.

Ngay cả một cường quốc như Mỹ cũng đã từng thất bại với sắc lệnh cấm thuốc lá. Giáo sư Y khoa Brad Rodu, Đại học Louisville, phụ trách các nghiên cứu giảm tác hại thuốc lá của Trung tâm Ung thư Brown cho biết: “Từ 100 năm trước, thử nghiệm cấm thuốc lá của chúng tôi đã thất bại. Chúng tôi không thể cấm một chất mà hàng triệu người Mỹ muốn tiêu thụ”.

Hay Uruguay, quốc gia từng chống thuốc lá nghiêm ngặt, cũng đã công nhận và chính thức dỡ bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng (TLLN), một sản phẩm TLTHM. Trong sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm TLLN do Tổng thống và các Bộ trưởng ký, Uruguay công nhận rằng các sản phẩm này có tiềm năng góp phần vào nỗ lực giảm thiểu vấn nạn thuốc lá điếu.

Ngoài ra, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản… cũng có chính sách quản lý chặt chẽ TLTHM, cho phép kinh doanh với điều kiện phải được kiểm định và đăng ký với cơ quan ban ngành.

Nói về cơ sở pháp lý để quản lý các mặt hàng này, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải: So với các nước, quy định của pháp luật Việt Nam về thuốc lá đã có tương đối đầy đủ. Xét theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, nếu các sản phẩm TLTHM như TLĐT, TLLN được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá thì đã là đối tượng được điều chỉnh của Luật. Theo đó, ông khẳng định không có rào cản pháp lý đối với việc đưa các sản phẩm này vào quản lý theo Luật hiện hành.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ lô TLĐT lậu trị giá lên đến 4 tỷ đồng và đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Tại Hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” ngày 13/4/2022, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho rằng nạn buôn lậu thuốc lá khiến ngân sách nhà nước thất thu đến gần 6.000 tỷ đồng mỗi năm.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, việc cấm không làm cho nhu cầu sử dụng TLTHM biến mất mà chỉ là chuyển từ giao dịch mua bán hàng hóa có chịu thuế sang trốn thuế. Bởi thế, việc sớm có cơ chế quản lý thích hợp có thể giúp cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, kiểm soát tốt TLTHM ở nhiều mặt, bao gồm giảm thiểu tình trạng buôn lậu, tội phạm ma túy trá hình, ngăn chặn giới trẻ tiếp cận… Từ đó, hình thành môi trường lành mạnh và an toàn cho người dùng, đồng thời kiểm soát nguồn thu thuế cho quốc gia cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành kinh doanh thuốc lá hợp pháp.

Đọc thêm