Xin rượu ngoại và ô tô nhập
Như PLVN thông tin, Bộ Tài chính đã xin Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại Cảng ICD Mỹ Đình. Việc lần đầu tiên cho phép cảng nội địa này được hưởng một số đặc quyền xuất nhập khẩu bình đẳng như các cảng quốc tế cũng dấy lên nghi ngại cơ quan chức năng liệu có kiểm soát được việc lợi dụng chế độ ưu đãi để gian lận thương mại và có thực sự cần cơ chế đặc thù cho Cảng ICD Mỹ Đình?
Nghi ngại đó trở nên thực tế hơn khi mục đích chính được Cty Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế (Interserco) đưa ra để xin cho áp dụng cơ chế đặc thù cho Cảng ICD Mỹ Đình là để được đưa nhóm hàng rượu và ô tô về đây làm thủ tục hải quan, thay vì làm thủ tục các mặt hàng này tại các cảng quốc tế Hải Phòng và Hàng không Nội Bài.
“Nhóm hàng không được đưa về ICD Mỹ Đình là: mặt hàng rượu, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi (loại mới và đã qua sử dụng), hàng tiêu dùng nhập khẩu kinh doanh. Chính hạn chế này đã khiến cho hoạt động khai thác hàng hóa về Cảng ICD Mỹ Đình gặp rất nhiều khó khăn, số lượng hàng nhập khẩu vào kho ngoại quan ít, giảm 60 % khối lượng việc làm, làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, nhân viên, đồng thời giảm đáng kể nguồn thu nộp ngân sách cho Hà Nội, tăng chi phí cao cho doanh nghiệp (DN) do phải đi nhận hàng ở Cảng Hải Phòng và Cảng Hàng không Nội Bài”, mục đích được nêu ra khá lộ liễu trong văn bản của Interserco gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin áp dụng cơ chế đặc thù cho Cảng ICD Mỹ Đình.
Con số của Interserco đưa ra cho thấy mức độ “hoành tráng” cũng như sự “thiết thực” của các mặt hàng này đối với sự sống còn của Cảng ICD Mỹ Đình nếu được chấp nhận cơ chế đặc thù. Theo DN này, số lượng DN, số lượng tờ khai theo các loại hình, số lượng contaner dự kiến được thực hiện (trong một năm) tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội là vô cùng lớn: sẽ là 1980 DN, với khoảng gần 31 ngàn tờ khai cho khoảng 9 - 11 ngàn container.
“Đổ vấy” cho chính sách?
Để chống buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại, Nghị định 154 ngày 15/12/2005 của Chính phủ đã quy định rất nghiêm ngặt 7 nhóm hàng hóa được chuyển cửa khẩu. Tất nhiên, hàng tiêu dùng là rượu và ô tô nhập ngoại như trong trường hợp này không thuộc đối tượng được chuyển cửa khẩu. Thậm chí, mặt hàng rượu ngoại và xe ô tô nhập còn được nhấn mạnh thêm một lần nữa trong Nghị định và thông tư liên tịch riêng lẻ cho nhóm hàng được đánh giá là “nhạy cảm” với giới buôn lậu.
“Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, thương nhân nhập khẩu phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó”- Khoản 7 Điều 20 Nghị định 94 ngày 12/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu quy định rõ.
Không chỉ ô tô nhập mà ôtô đã qua sử dụng cũng đã được liên bộ siết chặt: Chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu nhập.
Vì thế, quan điểm của Cty Interserco cho rằng, kể từ năm 2010, lượng hàng hóa làm thủ tục tại Cảng ICD Mỹ Đình giảm sút tới 60% không đúng với quy mô ban đầu của dự án là do hạn chế của một số quy định nói trên; cho áp dụng “cơ chế đặc thù” sẽ giúp tiết kiệm chi phí đi lại và lưu thông hàng hóa cho DN, giảm bớt áp lực thông quan hàng hóa tại Cảng Hải Phòng, giảm thiểu mật độ giao thông đi lại của các DN trên quốc lộ 5, có phải là mục đích thực sự của DN này khi xin cơ chế cho áp dụng cho thí điểm chuyển cửa khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng, trong đó 2 mặt hàng chính là rượu ngoại và xe ô tô nhập?
Bộ Tài chính xin thời gian thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại Cảng ICD Mỹ Đình tính từ tháng 6/2014 đến hết 31/12/2016./.