Tăng thuế “cầm chừng” vì… sợ buôn lậu

(PLO) - Thuốc lá là một trong những hàng hóa “không khuyến khích tiêu dùng” được Chính phủ kiến nghị tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trong lần sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sau 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, với một lộ trình tăng “cầm chừng” 5% thì có vẻ như “thần chết màu khói” này vẫn được “ưu ái”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích sản suất, tiêu dùng do tác hại của việc tiêu dùng các sản phẩm này đối với sức khỏe con người. Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh trong đó có những căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,... 
Theo phân tích của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trung bình mỗi năm thuốc lá nhập lậu làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng và mất việc làm của 5 triệu công nhân lao động, làm thất thoát Ngân sách nhà nước khoảng 6.000 – 6.500 tỷ đồng/năm, cùng với việc “góp tay” gia tăng hàng trăm nghìn ca bệnh và tử vong do thuốc lá mỗi năm.
Buôn lậu + thuế suất = gia tăng tiêu thụ thuốc lá 
Buôn lậu thuốc lá ở nước ta được đánh giá là ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận” và các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu, chặt được đúng “gốc” vấn nạn này. Tình trạng mua bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu ở các tỉnh phía Nam hầu như chưa khi nào giảm không giảm, thậm chí có giai đoạn tăng đột biến. Năm 2013, thuốc lá lậu vào Việt Nam là 17 tỷ điếu, chiếm 20% thị phần thuốc lá trong nước. Nên ngày 30/9, Thủ  tướng Chính phủ đã phải có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chống buôn lậu thuốc lá. 
Với nguồn hàng dồi dào, thuốc lá nhập lậu và cả thuốc lá sản xuất trong nước được bán và tiêu dùng công khai, không giới hạn người tiêu dùng với giá bán lẻ luôn vào loại thấp nhất trong khu vực. Cùng với mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không tương ứng với sự gia tăng mức sống của người và thấp so với mức khuyến nghị về thuế tiêu thụ đặc biệt của một số tổ chức quốc tế (Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới) đối với thuốc lá đã không có tác dụng hạn chế sức mua, mà ngược lại mức tiêu thụ của người dân đối với sản phẩm này không ngừng tăng lên.
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá thuộc nhóm cao trên thế giới (tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới), có nguyên nhân giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp: 44,9% trong khi đó tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tại các nước trong khu vực cao hơn, như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar: 50% và các nước phát triển như Australia 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,...
“Kiềm” thuế cũng không “chặt” ngay được buôn lậu
Nghiên cứu tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cho thấy nguy cơ về việc làm gia tăng tình trạng buôn lậu, trốn thuế và như vậy làm hạn chế kết quả định hướng tiêu dùng những mặt hàng này của nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.  
Thông thường, chênh lệch về giá của mỗi mặt hàng là một trong những nguyên nhân dẫn đến buôn lậu nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ khiến tăng giá thuốc lá sản xuất trong nước, làm mức lợi nhuận của buôn lậu thuốc lá cao hơn, dẫn đến gia tăng buôn lậu loại hàng hóa nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng này. Dẫn chứng của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng lên 10% đã gây ra sự tăng đột biến của thuốc lá nhập lậu khoảng 6 tỉ điếu, lên 18 tỉ điếu năm 2008 so với 12 tỉ điếu năm 2006.
Do đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà chờ đến khi “ngăn chặn được thuốc lá lậu” mới tính đến việc tăng thuế suất. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá không chỉ phụ thuộc vào yếu tố giá vì thực tế, giá thuốc lá lậu ở nước ta lại thường cao hơn giá thuốc lá sản xuất trong nước do tâm lý “sính ngoại”, thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người hút thuốc và một phần còn do chất lượng của thuốc lá lậu đáp ứng yêu cầu, sở thích của người tiêu dùng. 
Kinh nghiệm của nhiều nước cũng cho thấy, dù thuế suất thuốc lá không tăng nhưng buôn lậu vẫn gia tăng và việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không phải là nguyên nhân chính làm gia tăng buôn lậu mà nguyên nhân của việc gia tăng buôn lậu lại bắt nguồn từ hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại như Malaysia, thuế thuốc lá tăng nhưng buôn lậu thuốc lá lại giảm.
Do đó, khi chưa thể xác định được khi nào thì kiểm soát được thuốc lá lậu thì việc không tăng hay tăng “cầm chừng” thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá với lý do… sợ khuyến khích buôn lậu thì thực chất chỉ là “cái cớ” để sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước không bị tăng giá và giảm sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu trên thị trường.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam nên áp dụng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ là 65% để “đánh vào túi tiền” người tiêu dùng nhằm giảm số người hút thuốc và số lượng thuốc lá tiêu thụ. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá song không tán thành sự chậm chễ của lộ trình nên đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017 (thay vì 31/12/2018) và tăng từ 70% lên 75% áp dụng từ ngày 01/01/2018 (thay vì 01/01/2019) như đề xuất của Chính phủ.
Mặt khác, giá bán lẻ và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở nước ta đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá ở mức cao hơn là 85% với lộ trình trong 2 năm, chứ không nên “cầm chừng” như đề xuất trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bởi việc tăng thuế suất trên sẽ không tác động xấu đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước đáng kể và giảm tỷ lệ số người hút thuốc lá./.
“Không vì sợ buôn lậu mà không đánh thuế”
Đó là quan điểm của bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội đối với những lo ngại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tạo động lực cho nạn buôn lậu. Theo bà, “tác dụng tích cực của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết thu nhập xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế tiêu dùng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá”

Đọc thêm