Cảnh báo chiêu trò giả mạo thương hiệu điện máy để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một số website giả danh các hệ thống điện máy có tiếng đã xuất hiện, gây nhầm lẫn với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu bị giả mạo.
Một website dễ gây nhầm lẫn cho người dùng khi sử dụng hình ảnh thương hiệu Điện máy chợ Lớn.
Một website dễ gây nhầm lẫn cho người dùng khi sử dụng hình ảnh thương hiệu Điện máy chợ Lớn.

“Bóc mẽ” chiêu lừa

Vừa qua, nhiều người dân phản ảnh về một số website có dấu hiệu mạo danh trung tâm điện máy nổi tiếng, cung cấp dịch vụ sửa chữa máy móc. Anh Lâm Quang Q., ngụ đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM cho biết, vì tủ lạnh trong nhà bị hư, anh tìm kiếm thông tin trên mạng thì ra đường dẫn một website mang tên tantammayxanh.com.

Truy cập đường link, anh thấy logo của hệ thống siêu thị Điện máy Xanh, hình ảnh các nhân viên kĩ thuật của Điện máy Xanh và nội dung giới thiệu dịch vụ sửa chữa điện gia dụng do Điện máy Xanh cung cấp. Anh Q. tin tưởng gọi vào số hotline để được tư vấn, sau đó nhân viên mặc đồng phục tương tự Điện máy Xanh đến tận nhà, xem xét tủ lạnh và báo giá 1,6 triệu đồng.

Người này cũng lấy đồ nghề ra thao tác, sửa chữa rồi nhận tiền và rời đi. Nhưng ngay sau đó, anh Q. phát hiện tủ lạnh chưa hề được sửa chữa gì, vẫn tình trạng hư hỏng cũ. Anh gọi điện đến hotline trước đó để khiếu nại nhưng không nhận được hỗ trợ.

Tương tự, chị Trần Nguyễn Khánh H., ngụ đường Linh Đông, TP Thủ Đức cho biết, mới đây, chị lên mạng tìm địa chỉ sửa chiếc máy lạnh thì thấy website trungtambaohanhdienmayxanh.com. Chị liên hệ và cũng được nhân viên mặc đồng phục tương tự Điện máy Xanh đến sửa chữa. Người này sau khi xem xét liền báo giá 2 triệu vì “máy lạnh hết ga cần bơm ga”. Tuy nhiên, chồng chị H. rành về máy móc, biết máy lạnh chỉ cần vệ sinh là được nên đã vạch trần chiêu lừa trên. Nhân viên kia lập tức bỏ đi. Sau đó, chị H. gọi lên hệ thống Điện máy Xanh thì được cho biết Điện máy Xanh không có website như trên, cũng không có số hotline nào ngoài hotline tổng đài trên trang website chính thức.

Trên mạng hiện có hàng chục website có dấu hiệu giả danh không chỉ thương hiệu Điện máy Xanh mà cả Điện máy Chợ Lớn, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Những đối tượng giả danh này lấy những cái tên tương tự thương hiệu như Bảo hành điện máy Xanh; Dịch vụ Nguyễn Kim; Trung tâm Bảo hành Chợ lớn... và cũng lấy logo, hình ảnh của thương hiệu chính hãng, tuy nhiên thông tin và số điện thoại là giả mạo. Đáng nói, những website trên bỏ tiền chạy quảng cáo rất mạnh, thường hiển thị ngay những vị trí đầu trong mục tìm kiếm, khiến người dân dễ tiếp cận và nhận lầm.

Cần mạnh tay xử lý

Trước những phản ánh của người dân, phóng viên thử đã gọi điện vào hotline của website mang tên Điện máy Xanh Sài Gòn để đặt lịch sửa chữa máy giặt, nhân viên trực hotline (đầu số 028.685...) khẳng định đây là dịch vụ do Siêu thị Điện máy Xanh cung cấp, bảo đảm uy tín...

Trong khi đó, đại diện Điện máy Xanh cho biết hiện thương hiệu này không có website nào khác ngoài hai website chính thức http://dienmayxanh.com/ và thegioididong.com. Thời gian qua, nhận được thông tin về thực trạng mạo danh, có dấu hiệu lừa đảo, đội ngũ phụ trách xử lý các website, Fanpage giả mạo của thương hiệu Điện máy Xanh đã nỗ lực kiểm soát và xử lý các trang giả mạo bằng cách thường xuyên đăng tải các thông tin cảnh báo lừa đảo trên Fanpage, Website của Điện máy Xanh cũng như Thế Giới Di Động, hướng dẫn khách hàng truy cập đúng website.

“Hiện bộ phận pháp chế của chúng tôi đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện đối với nhiều website giả mạo về vi phạm bản quyền. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hợp tác với các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền để xử lý các trường hợp lừa đảo, lợi dụng tên tuổi uy tín của Điện máy Xanh để trục lợi”, vị đại diện Điện máy Xanh chia sẻ.

Hành vi xâm phạm, giả mạo nhãn hiệu đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 và Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, mọi hành vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nhãn hiệu, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền tịch thu và tiêu hủy toàn bộ các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời chủ sở hữu cũng có quyền yêu cầu bồi thường những thiệt hại về các hành vi vi phạm mà các đối tượng thực hiện hành vi giả mạo gây ra.

Cạnh đó, nếu hành vi giả mạo thương hiệu điện máy nhằm chiếm đoạt tài sản, còn có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Thời gian tới, mong rằng các thương hiệu sẽ có những động thái quyết liệt hơn để bảo vệ tên tuổi của mình, bảo vệ khách hàng. Đồng thời, để chấm dứt triệt để hành vi có dấu hiệu mạo danh, lừa đảo như trên cũng cần đến sự xử lý mạnh mẽ, đến nơi đến chốn của cơ quan chức năng. Về phần người dân, cần hết sức cảnh giác, nhận diện những website lừa đảo, mạo danh, đồng thời báo ngay đến cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm