Nhằm tìm hiểu rõ thực hư các trung tâm đào tạo trẻ em thiên tài đang gây “sốt” trong cộng đồng, phóng viên đã vào vai một người mẹ đang có nhu cầu cho con được đến học ở lớp học thiên tài và tìm đến một trung tâm có tên H.K trên phố Duy Tân (Hà Nội) đang có chương trình giảm giá gói học từ 13,5 triệu đồng xuống còn 9 triệu đồng để nghe phổ biến về lớp học và quy trình học.
Cô giáo ở đây cam kết 100% trẻ đến với trung tâm này đều có thể có khả năng làm những điều đặc biệt và trở thành những thiên tài trong tương lai.
Lớp học kích thích siêu giác quan?
Lớp học kích thích siêu giác gian hay còn gọi là lớp học kích bán cầu não cho trẻ em hiện nay đang phủ sóng rộng rãi khắp cả nước. Ở Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những trung tâm đào tạo ở trên phố Đào Tấn, Duy Tân, Nguyễn Văn Hưu, khu đô thị Vinhoms ReverSide... kèm theo đó là những lời quảng cáo mĩ miều khiến cho nhiều bậc phụ huynh tò mò tìm đến và bị thuyết phục dễ dàng bởi mong muốn con mình trở nên hơn người – niềm ao ước vốn dĩ xưa nay “ăn vào máu” nhiều cha mẹ Việt.
Tại các trung tâm, phụ huynh được thuyết phục là có thể yên tâm về chất lượng bởi nhiều giáo viên giảng dạy ở đây đến từ các trường sư phạm, nhạc viện đều đã được các chuyên gia từ nước ngoài sang đào tạo chuyên môn trong 1 năm. Và họ cũng đã được cấp chứng chỉ để trở thành người “sản sinh đồng loạt” các thiên tài (!).
Tìm hiểu phóng viên được biết, tham gia khóa học 3 tháng, mỗi học sinh sẽ được trải qua 2 ngày chuyên sâu vào thứ bảy và chủ nhật, sau đó mỗi tuần vào tối thứ tư sẽ tập trung vào luyện tập. Ở đấy, học sinh sẽ được học 5 bí quyết để trở thành thiên tài, được nghe nhạc, được thoải mái làm nhưng điều mình thích. “Điều quan trọng là kết thúc khóa học 100% trẻ sẽ làm được những điều đặc biệt. Ngoài ra các em sẽ học hành tập trung hơn, hòa nhã, vui vẻ với bạn bè hơn” - cô giáo ở trung tâm H.K trên phố Duy Tân chia sẻ.
Giải thích thêm về lớp học, cô H.L cho biết, khi một đứa trẻ mới sinh ra thì não bộ của chúng rất hoàn hảo nhưng sau vài năm khóc lóc, bị áp lực, và những trạng thái tiêu cực như là giận dữ hay là hối tiếc đã khiến cho não bộ bị đóng lại.
Thực tế những việc mà trung tâm đang làm là để tái kích hoạt lại tất cả các phần não bị ngủ quên. Ví dụ như, tham gia lớp học siêu giác quan trẻ em có thể bịt mắt làm toán, bịt mắt đọc báo, phân biệt màu sắc, cốc nước đường, nước muối thậm chí là đi xe đạp, trượt patin…, và nếu luyện tập lâu dài thì có thể đạt đến trình mở mắt, úp tất cả sách vở lại vẫn có thế… đọc vanh vách. Cô H.L còn khoe rằng, hiện nay đạt đến trình độ cao siêu nhất là có một em có thể tập trung vào hai đồng xu và xê dịch được nó (?).
Lớp học ở trung tâm H.K thông thường sẽ có số lượng dao động từ 30 – 40 học sinh, như vậy có nghĩa cứ sau 3 tháng thì sẽ có từng đấy em làm được những điều mà không chỉ người bình thường mà cả các tiến sĩ, bác sĩ, nhà thông thái nhìn thấy cũng đều sẽ phải ngạc nhiên.
Thiên tài hay hoang tưởng?
Khi những hình ảnh về các trung tâm huấn luyện kích thích bán cầu được chia sẻ, ngoài những ý kiến cổ suý một cách vô thức thì rất nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối việc này. Nhiều câu hỏi đặt ra có đáng tin hay không những lớp học đào tạo đại trà để cho ra đời những năng lực “vĩ đại” mà chỉ mất có… 3 tháng? Đây là lớp học khiến cho trí tuệ các em được trở nên tốt hơn hay đang làm cho nhiều trẻ em hoang tưởng rằng mình đang trở thành một người có khả năng siêu nhiên?...
Lo ngại về trào lưu này, ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc Viện Nghiên cứu tâm lý PSD đã phân tích về vấn đề này trên trang cá nhân của mình. Theo đó, việc khai mở khả năng đặc biệt cho những đứa trẻ hoàn toàn có hại.
“Nếu các ông bố, bà mẹ nào đã phải trải qua những giây phút sống giữa hai trạng thái ảo và không ảo sẽ hiểu tôi nói điều này. Không hề đơn giản như các vị nghĩ, sống trong một chiều không gian này nhưng lại nhìn thấy không gian khác, lúc này nếu không cảnh giác sẽ chìm sâu vào loạn thần và hoang tưởng. Các vị hãy hiểu khả năng thật sự của con người mà không được kiểm soát, phân tích đúng sai bằng lý trí cũng sẽ dẫn tới chìm sâu vào vấn đề tâm thần. Một người nhận thức sai, tư duy sai sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, sai lầm đó nguy hại lớn nhỏ ra sao phụ thuộc vào người đó làm công việc gì” – theo ông Tuấn.
Quan điểm của ông Tuấn có thể được hiểu là một trong những công cụ để hình thành tư duy và nhận thức chính là các hệ thống tín hiệu mà não bộ tiếp nhận và mã hoá. Nó sẽ khai mở và vận hành theo sự hướng dẫn của chúng ta, tuy nhiên trẻ em hoàn toàn chưa đủ ý thức để nhận thức được vấn đề, lúc này trạng thái hoang tưởng tâm thần sẽ đến trong một ngày không xa.
Theo TS. Hoàng Gia Trang, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu tâm lý, giáo dục học -Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: “Các lớp học thiên tài hoặc các lớp giáo dục trẻ thông minh sớm được mở ra đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu của cha mẹ nhiều hơn là nhu cầu của trẻ. Một số cha mẹ muốn con mình hơn con người khác nên dễ bị thu hút vào các lớp học như vậy”.
Việc học tập của trẻ cần dựa trên nhu cầu của chính các em. Nếu người lớn cố ép trẻ tham gia những hoạt động mà bản thân các em không thích thì có thể khiến các em chán học, lo âu. Các lớp học kích thích giác quan thứ 6 của trẻ cũng như vậy. Bởi lẽ, khả năng của các trẻ là không giống nhau. Một số trẻ có thể làm được việc này dễ dàng thông qua luyện tập, nhưng số trẻ khác có thể không thực hiện được tốt. Khi trẻ được tập trung để phát triển giác quan này thì các giác quan khác sẽ kém phát triển hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập sau này của các em. Mặt khác, khi các em làm được một số việc mà các bạn cùng tuổi không làm được hoặc không làm tốt và được người lớn “tung hô” thì sẽ khiến các em ảo tưởng vào sức mạnh bản thân.
Thiên tài xưa nay trên thế giới vốn dĩ hiếm, 100 người chắc gì đã được một ấy vậy mà giờ đây ở đất nước chúng ta có đến hàng chục các trung tâm, mỗi trung tâm cứ một khóa đào tạo ra 30 – 40 thiên tài có khả năng “siêu đặc biệt”. Hóa chẳng phải bây giờ, trở thành thiên tài dễ vậy sao?.