Luyện thi từ mầm non
Trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) vừa ra thông báo dừng tuyển sinh lớp 6 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Khi thông tin vừa được đưa ra, rất nhiều phụ huynh, học sinh thất vọng, thậm chí có trường hợp đã bật khóc chia sẻ con của mình ôn thi... từ lớp 1.
Trong vài năm trở lại đây, những trường THCS chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều, với chất lượng dạy học tốt, tỷ lệ học sinh đỗ vào trường cấp III trọng điểm cao. Song song với chất lượng, đầu vào những ngôi trường này thường rất chặt chẽ. Các trường THCS chất lượng cao không tuyển sinh theo tuyến qua những bài thi riêng biệt.
Tỷ lệ chọi để vào được những trường này rất căng thẳng. Năm 2019, tỷ lệ chọi của Trường THCS Ngoại ngữ (Hà Nội) là 1/30. Năm nay, kỳ thi tuyển lớp 6 Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) có tỷ lệ chọi 1/7, Trường THCS Văn Lang (tỉnh Phú Thọ) có tỷ lệ chọi 1/4...
Để đỗ được vào các trường THCS chất lượng cao, học sinh không những phải hoàn thành chương trình lớp 5 từ sớm, mà các em ôn luyện những môn học như Toán tư duy-logic, tiếng Anh chương trình chuẩn Cambridge, Tranh biện bằng tiếng Anh (Debate)... Thậm chí, một số trường còn yêu cầu các em phải có kiến thức cơ bản về môn khoa học tự nhiên như Vật lí, Hóa học, Sinh học. Cấu trúc đề thi thường khó hơn so với kiến thức cơ bản trên trường, đòi hỏi học sinh phải có thời gian chuẩn bị từ sớm.
Giống các học sinh lớp 5, để vào được một trường tiểu học tốp đầu, nhiều em mầm non đã ôn luyện từ khi mới 3, 4 tuổi. Chị Nguyễn Phương Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu đã thuộc lòng bảng chữ cái, phép cộng trừ nhân chia và nói được các câu tiếng Anh cơ bản”. Tỷ lệ chọi vào các trường tiểu học tốp đầu hiện nay rất cao. Ví dụ: kỳ thi tuyển sinh lớp 1 trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), có tỷ lệ chọi 1/20, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) có tỷ lệ chọi 1/2...
Để đỗ được vào các trường “trọng điểm” này, các em phải vượt qua nhiều bài thi “khó nhằn”, như Toán tư duy, Toán ma trận, kể chuyện bằng tranh, thuyết trình trước đám đông, nghị luận xã hội một vấn đề bất kỳ... Để đạt được những tiêu chuẩn này, các em đã được bố mẹ, thầy cô đưa đến “lò luyện” từ khi còn rất nhỏ.
Không nên “dồn ép” trẻ học thêm
Hiện nay, ngay từ các lớp tiểu học, học sinh đã phải đối diện với áp lực từ các kỳ thi tuyển sinh vào những ngôi trường mang danh “chất lượng cao”. Các lớp học thêm cũng theo đó “mọc lên như nấm”. Hàng loạt lớp luyện thi cấp tốc mở ra, thậm chí học phí mỗi buổi cả triệu đồng. Chất lượng của các lớp học thêm này chưa được đánh giá, nhưng có thể thấy rõ áp lực đè nặng lên cả học sinh và phụ huynh.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên (phụ trách khối Tiểu học, Trung tâm Ngôn ngữ và EQ) cho biết, học sinh tiểu học và mầm non có sức sáng tạo rất lớn, các em hoàn toàn có khả năng viết ra những câu văn hay, nghĩ ra cách giải toán thú vị, tuy nhiên áp lực thi cử đang dần làm cạn kiệt năng lượng của các em: “Học tập phải giống như “hũ mật ngọt” khiến học sinh yêu thích và tiếp tục muốn khám phá, tìm tòi. Các kỳ thi một mặt phát hiện ra những em có năng lực học tập nổi trội, ngược lại cũng đang tạo áp lực, “giết chết” sức sáng tạo của các em, biến học sinh thành những “cỗ máy”. Học sinh phải học thêm quá nhiều từ lúc còn bé, có thể khiến các em sợ học, ghét học, hoặc nặng nề hơn bị trầm cảm, ngại giao tiếp.
“Việc thi cử là để kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh. Phụ huynh không nên tạo áp lực, mà nên để các em học sinh tự học với đúng năng lực, sở trường của mình. Các em học sinh đang trong độ tuổi phát triển về cả thể chất, tinh thần, phụ huynh không nên chạy theo “thành tích”, dồn ép con luyện thi, học thêm khi còn nhỏ tuổi để vào trường chuyên, lớp chọn, thay vào đó dành thời gian để con phát triển các kỹ năng khác” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên đưa ra lời khuyên.