Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, sáng nay, 9/11, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 397mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 403mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 372mm,...
Mực nước một số sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã đạt mức báo động 1 và đang lên. Riêng sông Vệ (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh ở mức trên báo động 3 lúc 3h sáng, hiện đang xuống chậm.
“Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong 6 ngày tới (ngày 9 đến 14/11), ở Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa dự báo ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía bắc Quảng Nam và Khánh Hòa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm, ở phía nam Quảng Nam đến Phú Yên phổ biến 350-650mm, có nơi trên 800mm. Sau ngày 15-11, ở các địa phương này khả năng vẫn sẽ tiếp tục có mưa với lượng mưa khoảng 50-100mm”, ông Lâm nhận định.
Tại tỉnh Quảng Nam, Phó chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu cho biết, sáng nay, tỉnh đã cử lực lượng xung kích ở các thôn, bản đi kiểm tra suối nhỏ, khu vực có nguy cơ sạt lở đất tại các huyện miền núi. Các hồ chứa của Quảng Nam cơ bản từ 75-95%, hiện tỉnh cũng đang vận hành các hồ để đón lũ.
Tại tỉnh Bình Định, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết địa phương đã sẵn sàng các phương án sơ tán dân ở vùng ngập lụt, sạt lở, đồng thời dự trữ lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu tại vùng có nguy cơ bị chia cắt.
Nhấn mạnh diễn biến mưa lũ đã phức tạp từ đêm qua và cao điểm diễn ra từ hôm nay đến cuối tuần, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, các địa phương rà soát lại các kịch bản ứng phó với mưa lũ để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Ông Trần Quang Hòa yêu cầu: “Các địa phương lên kế hoạch dự trữ nhu yếu phẩm, lương thực ở vùng chia cắt để đảm bảo đời sống cho người dân. Việc sơ tán dân phải đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch COVID-19, bố trí bồn nước, khu vệ sinh tại nơi sơ tán. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá bởi một số địa phương đã để xảy ra chết người”.