Vấn nạn “đau đầu”
Mới đây, trên trang mạng xã hội cá nhân, đạo diễn Victor Vũ đã lên tiếng phủ nhận việc anh kêu gọi casting qua Instagram. Victor Vũ cho biết: “Victor không dùng Instagram và Twitter. Mọi hình thức mạo danh Victor để gọi casting là lừa đảo. Mong mọi người đừng mắc bẫy!”.
Trước đó, một người đã đăng bài viết lên mạng, cho biết nhận được tin nhắn mời casting từ tài khoản Instagram mang tên Victor Vũ. Tài khoản này không đăng công khai chương trình casting mà nhắn tin cho từng ứng viên “tiềm năng” để mời gọi, đồng thời yêu cầu ứng viên quay clip gửi để duyệt ở “vòng loại”.
Người đăng bài cho biết, tài khoản này còn hứa hẹn bộ phim sẽ tham gia các liên hoan phim quốc tế, hiện “tài khoản tên Victor Vũ” nói trên đang đi Pháp để khảo sát địa điểm quay phim và sẽ casting trực tiếp sau khi trở về. Thông tin này làm cộng đồng mạng xôn xao và đạo diễn Victor Vũ đã phải nhanh chóng lên tiếng phủ nhận.
Thời điểm đầu năm, đạo diễn Victor Vũ cũng từng một lần lên tiếng về tình trạng tương tự. Nhiều tài khoản mang tên Victor Vũ được lập ra để kêu gọi mọi người tham gia casting, các đối tượng này còn sử dụng tiếng Anh khi trao đổi nhằm tạo lòng tin với diễn viên. Thực tế đây là chiêu trò giả mạo nhằm mục đích xấu của các nhóm lừa đảo.
Tình trạng mạo danh nghệ sĩ để lừa đảo qua mạng không phải gần đây mới xuất hiện. Vài tháng trước, Công an quận Bình Thạnh bắt tạm giam Phan Văn Trí, 19 tuổi về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự. Trí đã cùng nhiều người nhận làm “tích xanh” chính chủ cho Facebook, sau đó chiếm tài khoản của một số diễn viên, nghệ sĩ để nhắn tin mượn tiền. Thủ đoạn chiếm đoạt nick nghệ sĩ hoặc giả nick nghệ sĩ để nhắn tin mượn tiền cũng khá phổ biến trên mạng xã hội.
Cách đây không lâu, ca sĩ Đức Phúc đã lên tiếng chia sẻ về việc mình đã bị nhóm đối tượng giả danh hai người bạn là nghệ sĩ để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 32 triệu đồng. Toàn bộ kịch bản đều được trao đổi thông qua tin nhắn Viber.
Còn có hàng loạt sự việc những tổ chức, cá nhân lừa đảo mạo danh nghệ sĩ để tổ chức quyên góp cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, sau đó lấy tiền bỏ túi. Thời điểm sau dịch, có không ít nhóm lừa đảo giả mạo các tài khoản của nghệ sĩ, giả danh người nhà nghệ sĩ thông báo tình hình nghệ sĩ bị đau ốm liệt giường, gặp khó khăn về tài chính và kêu gọi fan hâm mộ quyên góp ủng hộ. Nhiều thân nhân của nghệ sĩ đã lên tiếng và “kêu cứu” đến các cơ quan truyền thông mong hỗ trợ thông tin chính thống đến cộng đồng.
Tránh “tiền mất, tật mang”
Thực tế, các băng nhóm tội phạm giả danh nhiều đối tượng trong xã hội như cán bộ tòa án, công an, nhân viên bưu chính, người nổi tiếng. Đặc biệt, đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vốn có số lượng người hâm mộ đông đảo, công chúng quan tâm, có sức ảnh hưởng lớn nên việc mạo danh có khả năng lừa đảo được nhiều người.
Tình trạng trên không chỉ gây thiệt hại cho người bị lừa mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị mạo danh. Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tùy từng hành vi cụ thể, mức độ, đối tượng vi phạm có thể đối diện với những mức xử lý hành chính hoặc hình sự (khi đủ yếu tố cấu thành) thì có thể bị phạt tiền, bị phạt cải tạo không giam giữ, thậm chí có thể đối diện mức án tù chung thân trong những trường hợp nghiêm trọng, số tiền quá lớn hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh... để lừa đảo.
Đồng thời, hành vi mạo danh nghệ sĩ, chiếm đoạt tài khoản để lừa đảo qua mạng còn chịu sự xử lý theo Điều 8 Luật An ninh mạng: nếu người nào thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ bị xử lý. Luật An ninh mạng cũng nêu rõ nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Căn cứ pháp luật đã rõ, việc còn lại là cơ quan chức năng cần rốt ráo, mạnh tay hơn trong xử lý các hình thức tội phạm qua mạng như trên đang ngày càng lộng hành. Cạnh đó, để bảo vệ chính bản thân mình, người hâm mộ cần cân nhắc, có thái độ tỉnh táo và có sự tìm hiểu thông tin từ nguồn đáng tin cậy trước những tin nhắn, bài viết huy động tiền từ “nghệ sĩ” thông qua mạng xã hội, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.