Làm gì cũng phải có niềm đam mê
Khi tôi bắt đầu nhận làm công việc của một công chức tư pháp - hộ tịch, anh Thắng là người trực tiếp hướng dẫn tôi trong quá trình tập sự. Qua thời gian làm việc, tiếp xúc với anh tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ anh trong công việc lẫn cuộc sống. Tuổi trẻ của anh từng bôn ba khắp nơi nhưng “cánh chim” đã chọn một khu rừng xanh với nhịp sống không ồn ào để “hạ cánh” và tiếp tục cống hiến.
Anh kể, khi vợ anh sinh con trai đầu lòng vào năm 1985, anh không ở bên cạnh được, vợ anh đã gửi thư ra và hỏi đặt tên con là gì? Anh chỉ kịp lật ngược bao thuốc lá và ghi tên con là Trần Quốc Hoàng để kỉ niệm mảnh đất Hoàng Liên Sơn - nơi hàng ngày anh và đồng đội đang chiến đấu.
Tháng 10/1989 anh được Quân khu II cử đi lao động hợp tác quốc tế tại nhà máy sản xuất động cơ quân sự ở thành phố U-pha, Liên Xô. Đến tháng 5/1993 anh ra quân và quyết định về xây dựng quê hương cùng với gia đình.
Nghĩa Hồng - nơi anh công tác là một xã miền núi địa hình rộng, điểm xuất phát của địa phương từ Ủy ban thị trấn Nông Trường Cờ Đỏ, vì vậy nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Do địa bàn giáp ranh với 7 xã miền núi có một nông trường và một lâm trường đứng chân tại địa phương, từ đó công tác quản lý nhà nước về pháp luật nói chung cũng như việc quản lý nhà nước về tư pháp - hộ tịch tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Mặc dù tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế với chuyên môn Kỹ sư Nông nghiệp nhưng anh Thắng quan niệm khi bắt tay vào làm bất cứ một việc gì phải có sự đam mê. Làm công việc trái với chuyên ngành học, là đảng viên trẻ khi về quê hương được đảm nhận công tác đoàn, năm 1999 anh bắt đầu “bén duyên” với ngành Tư pháp.
“Ngày đó mới chỉ được giao mấy cuốn sổ hộ tịch, cũng khó khăn khi tiếp xúc. Nhưng càng làm lại càng thấy thú vị và càng muốn gắn bó với ngành hơn”, anh tâm sự. Những bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, với phương châm “vừa học vừa làm”, tự đúc rút kinh nghiệm và học hỏi những người đi trước, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh chia sẻ: “Thời điểm đó, làm cán bộ xã không có lương mà chỉ có phụ cấp thấp, nhiều người bỏ việc về nhà làm lô cao su, cà phê… Anh ở lại làm cán bộ phụ cấp chưa đủ chi tiêu nhưng vì trót lỡ “yêu” ngành Tư pháp rồi nên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ…”.
Để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, anh đã làm thêm một nghề “tay trái” ngoài giờ làm việc, đó là chụp ảnh. Anh kể, khi ở Liên Xô anh có học được ít kỹ năng về chụp ảnh, đúng lúc nghề chụp ảnh ở quê đang thịnh hành nên anh đã làm thêm nghề này để kiếm sống.
Khó khăn chồng chất nhưng anh vẫn ngày đêm cố gắng làm tốt vai trò của mình. Anh luôn khuyên nhủ tôi: “Mặc dù em mới bước vào nghề, còn nhiều khó khăn nhưng phải xác định tư tưởng, lập trường rõ ràng về trách nhiệm, coi công việc là lẽ sống, là niềm vui, là cơ hội để mình trải nghiệm và trưởng thành, có như thế mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ”.
Anh Trần Quốc Thắng |
Thi hành án là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, động chạm đến quyền lợi của các bên. Anh Thắng đã tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự huyện Nghĩa Đàn trong việc đôn đốc thi hành những bản án mà người phải thi hành án là công dân của địa phương.
Anh kể: “Có hôm đi cùng với thi hành án huyện tới hơn 12 giờ trưa mới về tới nhà nhưng không cảm thấy mệt vì đã đôn đốc được khá nhiều đối tượng nộp tiền án phí cũng như thu sung công”. Việc làm của anh tuy nhỏ nhưng đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và uy tín của chính quyền địa phương.
Anh Thắng cũng là một tuyên truyền viên pháp luật tích cực trong việc phối hợp và trực tiếp tham gia tuyên truyền một số nội dung văn bản. Năm 2009 anh đã tham gia hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, tuy kết quả chỉ đạt giải khuyến khích nhưng đã mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm bổ ích để góp phần làm tốt hơn công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng mọi người dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Tổ chức và hướng dẫn hoạt động hòa giải là một trong những hoạt động thường xuyên của công chức tư pháp - hộ tịch nhằm kịp thời giải quyết trực tiếp, triệt để những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở. Trong quá trình thực hiện công việc được giao, anh đã tham gia hội thi hòa giải viên giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và trực tiếp tham gia chỉ đạo và tổ chức hòa giải hàng trăm vụ việc khác nhau.
Anh nhớ lại một vụ hòa giải: Một cặp vợ chồng ở xóm Hồng Thái hiểu lầm nhau nên vợ muốn ly dị, trước khi gửi đơn lên tòa đã yêu cầu hòa giải. Anh đã cùng chị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức hòa giải bằng cách nói chuyện với từng người để nghe giãi bày nhằm biết được hiểu lầm giữa họ. Sau khi nắm bắt được cốt lõi vụ việc về mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, anh đã đã giải thích cho cả hai hiểu chuyện “của chồng, công vợ” để cả hai yêu thương, tôn trọng nhau hơn.
Kết quả, cả hai đã rút đơn ly hôn và ôm nhau khóc tại trụ sở Ủy ban. Đến giờ, hai vợ chồng đã sinh được hai đứa con kháu khỉnh, kinh tế khá giả, khi gặp lại anh Thắng, chị vợ vẫn nhắc: “May có anh chứ không vợ chồng em tan vỡ lâu rồi”. Cuộc hòa giải đó giống như lời cảnh tỉnh đối với mỗi cặp vợ chồng, trong cuộc sống hôn nhân cần chia sẻ, thông cảm cho nhau để gia đình hạnh phúc.
Với nhiều thành tích trong công tác hòa giải, năm 2014 tại Hội nghị tôn vinh hòa giải viên tiêu biểu 5 năm (giai đoạn 2009-2014), anh đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, trong 16 năm làm công tác tư pháp anh đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Đó là ngay từ khi mới bước chân vào nghề, anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 1999. Hai năm liên tiếp sau đó (2002, 2003) anh vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp. Đặc biệt, năm 2013 anh được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” vì đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng ngành Tư pháp Việt Nam.
Khi tôi hỏi vì sao anh học trái chuyên ngành mà làm công tác tư pháp giỏi thế, anh cười và nói: “Học ngành gì, làm việc gì là do sự phân công của tổ chức! Cái chính là mình xác định được tư tưởng, nhận thức để từ đó có trách nhiệm đầy đủ và tâm huyết trong công việc là sẽ thành công!”.
Qua lời tâm sự của anh cũng như những điều mà tôi cảm nhận được, để có được những thành công phải rất tâm huyết và yêu nghề. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho tôi - một công chức tư pháp trẻ mới bước chân vào nghề học hỏi và noi theo. Anh đúng là “cánh chim rừng không mỏi”, đi khắp mọi nẻo đường từ chiến đấu ở chiến trường, đi lao động ở nước ngoài cho đến khi trở về công tác tại địa phương vẫn “không mỏi” vươn lên, dù ở lĩnh vực nào anh cũng để lại những dấu ấn được mọi người ghi nhận.