Phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong thời kỳ mới

(PLO) - Hôm qua (24/6), trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp đến năm 2020”. 
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu tại Hội thảo
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã sôi nổi góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp.
Tinh gọn các cơ quan tư pháp, pháp chế
Cho đến nay, tổ chức của Bộ Tư pháp có 35 đơn vị, trong đó có 23 đơn vị quản lý nhà nước và 12 đơn vị sự nghiệp. Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự bao gồm 63 Cục Thi hành án dân sự và 705 Chi cục Thi hành án dân sự. Tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp địa phương cũng từng bước được kiện toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 31/10/2014 đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh... Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ được giao ngày một tăng lên, thực trạng bộ máy, nhân lực hiện chưa đáp ứng được nên Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng Dự thảo Đề án.
Trình bày Dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Lê Tiến Châu cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng các cơ quan tư pháp, pháp chế tinh gọn, hợp lý, thống nhất, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. 
Ngoài ra, sẽ kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức trên cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp phù hợp với những yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành trong tình hình mới.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đưa ra các giải pháp trong giai đoạn 2015-2016 và giai đoạn 2016-2020. Đối với giai đoạn đầu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục triển khai việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp; triển khai các nội dung đổi mới trong quản lý công chức, công vụ; chuẩn bị một bước cho việc kiện toàn tổ chức của Bộ, ngành trong nhiệm kỳ Quốc hội – Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 
Đối với giai đoạn 2017-2020, các nhiệm vụ, giải pháp là để tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của ngành Tư pháp theo nhiệm kỳ Quốc hội – Chính phủ theo yêu cầu và tinh thần đổi mới của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản khác có liên quan.
Quan trọng là thay đổi nhận thức
Cơ bản tán thành những nội dung chính của Dự thảo Đề án nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi nhiều ý kiến với mong muốn có được các giải pháp tổng thể nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp. 
Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình Phạm Ngọc Dậu cho rằng, mục tiêu tổng quát nêu trên là chưa mạnh mẽ, cần xác định rõ ràng chức năng của hệ thống cơ quan tư pháp (từ Bộ đến cấp tỉnh, huyện, xã), từ đó mới có được cơ cấu tổ chức bộ máy và con người một cách hợp lý. Ông Dậu còn trăn trở về những giải pháp thu hút nhân tài bởi khái niệm nhân tài, chuyên gia giỏi vẫn chưa được làm rõ, đánh giá nhân tài, chuyên gia giỏi dựa theo bằng cấp hay năng lực thực tiễn.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải đồng tình là phải nêu được chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp và Đề án ra đời phải giải quyết được bức xúc hiện nay khi mỗi lần phát sinh văn bản có “vấn đề” thì chỉ “đổ” tại Chính phủ, tại Bộ Tư pháp thẩm định chứ không liên quan đến các Bộ, ngành. 
Đặt câu hỏi “tại sao có tới 25 tỉnh, thành chưa triển khai Nghị định 55”, ông Khải cho rằng, quan trọng là làm thế nào thay đổi nhận thức của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của công tác tư pháp và như vậy phải có bài toán tổng thể về các giải pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, tổ chức bộ máy và nhân lực của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp đã và đang từng bước được củng cố, kiện toàn và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và là nhân tố quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Bộ, ngành, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của ngành Tư pháp cũng bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, việc xây dựng Dự thảo Đề án của Bộ Tư pháp là cần thiết, không những để thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2013 mà còn góp phần tiếp tục phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong thời kỳ mới. 
Thứ trưởng chỉ đạo đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, sát hơn nữa với thực tiễn phát triển của đất nước, của ngành tới đây. Một trong những giải pháp được Thứ trưởng quan tâm là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế về tổ chức, bộ máy, gắn liền việc triển khai các luật về tổ chức, bộ máy, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc thêm