Người đưa pháp luật đến từng thôn, xóm

(PLO) - Ở Vĩnh Phúc, nói đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, dù ở cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh, nhiều người đều biết đến ông Nguyễn Chí Dũng, nguyên  Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, một báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có kinh nghiệm, uy tín.
Người đưa pháp luật đến từng thôn, xóm
Gần ba mươi năm công tác trong ngành Tư pháp, mặc dù đảm nhận nhiều công việc khác nhau, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông Dũng luôn gắn bó, tâm huyết với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), một công việc ông rất đam mê và cũng mang lại nhiều niềm vui, nhiều thành công.
“Ba mươi năm là chiếc cầu nối đưa pháp luật đến với người dân”
Ông Nguyễn Chí Dũng tham gia công tác trong lĩnh vực tư pháp từ năm 1983, gần ba mươi năm công tác là ngần ấy năm ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Ngày đầu mới vào nghề, do công việc còn mới mẻ nên ông gặp không ít trở ngại trong công tác, nhất là công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), tuyên truyền PBGDPL. 
Thêm vào đó, trình độ dân trí của người dân trong tỉnh chưa cao và ý thức pháp luật còn hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng với phương châm “Không ngại khó, không ngại khổ” ông vẫn kiên trì với công tác tuyên truyền PBGDPL và coi đó là một nghề - “nghề nói” nhưng là nói về pháp luật. 
Khi nói về pháp luật bị ràng buộc bởi những quy định rất chặt chẽ nên dễ bị khô khan, khó truyền đạt. Điều đó quả không sai, ngay cả với người đã có thâm niên trong nghề. Song, công tác tuyên truyền PBGDPL cũng có niềm vui riêng, nhất là khi thấy pháp luật đã đến “gần” người dân hơn. 
Ông luôn nghĩ tuyên truyền PBGDPL không chỉ là trách nhiệm của cán bộ chuyên môn  mà còn là trách nhiệm chung của cán bộ trong ngành Tư pháp. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện ở rất nhiều lĩnh vực, điều kiện khác nhau. 
Tham gia hàng trăm lớp tuyên truyền PBGDPL, hàng nghìn buổi TGPL… ở đâu ông cũng được người dân nhiệt tình đón nhận và ủng hộ. Ông tâm sự, để bảo đảm cho mỗi cuộc tuyên truyền PBGDPL được tốt, đưa pháp luật đến với người nghe thì phải chủ động chuẩn bị rất nhiều nội dung, phải hiểu về điều luật, biến nó thành kiến thức của mình thì mới chủ động và giảng hay được. 
Ngoài những kiến thức pháp luật cơ bản, bắt buộc phải tuyên truyền cho từng đối tượng thì những kiến thức, thông tin bổ trợ bên ngoài cũng rất quan trọng, bổ sung cho điều luật đó, vận dụng vào đối tượng điều chỉnh cho phù hợp. 
Trong công tác chuyên môn, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt tình, say mê với công tác tư pháp, ông luôn xác định mình phải tận tuỵ trong công việc và không ngừng học tập, nghiên cứu để trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. 
Ông chủ động học hỏi, tìm tòi những nội dung văn bản mới, đồng thời tự nghiên cứu sách báo, ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng đúng thời điểm tuyên truyền và tuyên truyền đúng đối tượng; luôn đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình thực tế và vững về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong những năm cống hiến cho ngành Tư pháp, ông đã vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ Tư pháp, nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp... Ông là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. 
“Tình yêu nghề không giới hạn”
Về nghỉ hưu từ năm 2013, nhưng với niềm yêu thích, gắn bó với pháp luật, ông vẫn mong muốn được tiếp tục công việc, được đóng góp cho công tác tuyên truyền PBGDPL. Hiện nay ông vẫn tích cực tham gia các công tác tuyên truyền và là Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia tỉnh Vĩnh Phúc. 
Được tiếp xúc với ông khi ông đang tư vấn pháp luật cho người dân, tôi nhận thấy ông luôn nhẹ nhàng, nhiệt tình và chu đáo. Ở ông toát lên một sự điềm tĩnh, chân thành, gần gũi nhưng vốn kiến thức pháp luật thì rất phong phú, uyên thâm.  
Anh Nguyễn Văn Hùng - một trong những người dân được ông tư vấn chia sẻ: “Tôi may mắn được ông Dũng tư vấn một vụ việc liên quan đến pháp luật về đất đai. Mặc dù kiến thức pháp luật về đất đai rất khó hiểu và hiểu biết của tôi còn nhiều hạn chế nhưng ông rất nhiệt tình, nhẹ nhàng, không ngại mất thời gian tư vấn, giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu. Bên cạnh những điều luật liên quan đến nội dung vụ việc của mình, ông còn tuyên truyền thêm những kiến thức pháp luật khác cho tôi”.
Trong nhiều năm công tác và đi tuyên truyền PBGDPL, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn. Ông tâm sự, khi đi giảng bài ở những nơi vùng sâu, do dân trí còn thấp, trình độ người dân không đồng đều nên khi giảng bài ông đã phải cố gắng dùng những từ ngữ dễ hiểu nhất và phải giải thích tận tình để người dân tiếp thu được những kiến thức pháp luật mà ông mang đến. 
Tuy khó khăn là vậy nhưng ông cũng luôn vui vẻ và nhiệt tình vì mỗi khi ông giảng bài, người dân đều chăm chú lắng nghe. Có những lớp khi ông tuyên bố kết thúc buổi học mà người dân vẫn ngồi nghe chăm chú; đây là điều mà không phải báo cáo viên nào cũng làm được.
Chị Nguyễn Thị Mai - học viên lớp tập huấn kiến thức pháp luật tại cơ sở tâm sự: “Khi được triệu tập tham gia lớp tập huấn kiến thức pháp luật, tôi liền chuẩn bị mấy tờ báo mang theo với suy nghĩ đọc cho nhanh hết giờ, cho đỡ chán. Nhưng khi đến lớp được nghe ông Dũng giảng bài, tôi bị cuốn vào những nội dung pháp luật đến mức quên cả thời gian. Tôi thấy ông giảng bài thật “duyên”, dễ nghe, dễ hiểu, tôi không ngờ pháp luật lại “gần” đến thế”. 
Không chỉ là một trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên pháp luật giỏi, ông còn là một người chồng, người cha đầy trách nhiệm, gương mẫu. Gia đình ông nhiều năm liền được tặng Bằng khen Gia đình văn hóa. Đây thực sự là một phần thưởng tinh thần có giá trị lớn giúp ông có thêm động lực mạnh mẽ, tiếp tục phấn đấu để luôn xứng đáng là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo lời dạy của Bác. 

Đọc thêm