Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết, thời điểm mùa đông xuân có độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại vi rút, nhất là vi rút cúm phát triển. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, cúm A/H1N1 còn có khả năng tấn công vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong, nếu không được điều trị kịp thời. Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục từ 39 đến 40oC, khó hạ sốt, viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ viêm phế quản.
Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao.
Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng vi rút mới (lạ) nào tại Việt Nam.
Thêm vào đó, để chủ động giám sát các chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với USAID, WHO, FAO tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm, kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người.
Trước tình hình dịch bệnh có các diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018, đề nghị tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua ăn uống tại cộng đồng.