Cảnh giác với hiện tượng đông máu bất thường hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi mắc COVID-19, một số trường hợp xuất hiện cục máu đông bất thường tại tĩnh mạch, động mạch, ổ bụng, gây nguy hiểm tới tính mạng.

Điều trị bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch ở chân.

Bị mắc COVID-19 đến ngày thứ 10, ông M.T.H (86 tuổi, ở Hà Nội) đột ngột xuất hiện sưng phù bắp chân phải, đau tức và chuột rút bắp chân. Được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị khám, bệnh nhân được siêu âm và phát hiện có huyết khối tĩnh mạch đùi bên phải đang lan rộng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc kháng đông để phòng cục máu đông di chuyển lên, gây tắc mạch phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong.

Cũng gặp tình trạng tương tự, bà N.T.L (72 tuổi, ở Hà Nội) mới khỏi COVID-19 khoảng 1 tháng, bỗng đột ngột bị đau nhức chân phải, toàn bộ đùi và cẳng chân lạnh ngắt và tím, cử động khó khăn. Đến bệnh viện, qua siêu âm và chụp cắt lớp vi tính mạch máu, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã tắc hoàn toàn động mạch chậu đùi bên phải do cục máu đông lớn mới hình thành. Bệnh nhân được khẩn trương phẫu thuật cấp cứu loại bỏ cục máu đông và tiếp tục điều trị thuống chống đông đường uống duy trì lâu dài.

Bệnh viện Hữu Nghị cũng mới ghi nhận một bệnh nhân nam 81 tuổi vào cấp cứu vì đau bụng hạ sườn trái. Trên kết quả siêu âm và chụp bụng thông thường không phát hiện gì đặc biệt. Tuy nhiên khi chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thì phát hiện bị nhồi máu lách. Khai thác lại tiền sử, bệnh nhân bị COVID-19, mới khỏi cách đây 2 tuần.

TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị nhận định: “Điểm chung của cả ba ca bệnh trên là đều gặp các triệu chứng đông máu bất thường sau khi khỏi COVID-19. Huyết khối có thể hình thành bất cứ mạch máu nào trong cơ thể gây tắc mạch. Triệu chứng, biểu hiện của tình trạng này liên quan đến cơ quan đích của mạch máu bị tổn thương. Ví dụ tắc mạch máu não sẽ gây triệu chứng đột quỵ, đau đầu, ngất xỉu, yếu nửa người, thậm chí hôn mê; tắc động mạch vành tim gây cơn đau thắt ngực, mệt xỉu, tụt huyết áp; tắc các mạch tạng trong ổ bụng sẽ gây những cơn đau bụng bất thường mà siêu âm ổ bụng không thể phát hiện được; tắc mạch chi sẽ gây hoại tử, mất vận động, chi lạnh và tím, đau nhức ghê gớm; tắc hệ thống tĩnh mạch ngoại biên chi dưới sẽ gây phù chân 1 bên, tức nặng chân, đau chân; đặc biệt tắc mạch phổi cấp tính có thể gây khó thở tăng dần, tắc động mạch phổi nhánh lớn có thể gây đột tử”.

Theo TS.BS Bùi Long, huyết khối hậu COVID-19 sẽ rất nguy hiểm nếu các mạch máu bị tắc là mạch máu não, mạch vành tim, mạch phổi, các mạch tạng quan trọng như mạch thận. Cụ thể, tắc mạch máu não sẽ gây tàn phế, tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim dẫn tới suy tim, đột tử; tắc động mạch phổi cấp có thể gây suy hô hấp cấp hoặc tử vong, tắc động mạch thận có thể gây suy thận cấp; tắc động mạch chi dưới có thể gây hoại tử phải cắt cụt chi gây tàn phế.

Về việc liệu có sử dụng thuốc dự phòng để chống đông máu cho bệnh nhân COVID-19 hay không, theo TS.BS Bùi Long, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh nhân hậu COVID-19 không có biểu hiện gì mà uống phòng bằng các thuốc chống đông. Nhưng với các bệnh nhân COVID-19 đã có bằng chứng xuất hiện các cục máu đông rồi thì phải điều trị chống đông máu một cách rất chặt chẽ, thậm chí kéo dài cả sau khi khỏi bệnh, sau khi hết cục máu đông. Nhất là với bệnh nhân có bệnh nền, có tình trạng hẹp mạch máu mà bị COVID-19 cũng nên xem xét việc sử dụng thuốc kháng đông với các liều lượng phù hợp để dự phòng tránh hình thành các cục máu lớn cho bệnh nhân.

“Để phòng ngừa, các bệnh nhân, nhất là những người có bệnh nền, nếu xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 thì nên đi kiểm tra, xét nghiệm. Bởi COVID-19 có thể đa tác động đến các cơ quan, chứ không chỉ riêng tim mạch", TS.BS Bùi Long khuyến cáo.