Cảnh sát giao thông Bình Thuận: Từ 15/9, ra quân xử lý phương tiện tự chế

(PLVN) - Dự kiến từ 15/9/2024, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức các tổ công tác kiểm tra, xử lý chuyên đề xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
Hai xe tự chế kéo nhau lưu thông trên QL1A đoạn đi qua huyện Hàm Tân, hình chụp ngày 19/8/2024. (Ảnh: Tiến Dũng)

PV Báo PLVN đã đi thực tế trên tuyến QL1A, đoạn qua tỉnh Bình Thuận, chứng kiến nhiều xe máy cày, xe kéo... tự chế xuất hiện trên đường. Trưa 19/8/2024, trong khoảng 2 tiếng đồng có mặt tại một quán nước ven QL1A đoạn qua huyện Hàm Tân, PV ghi nhận hàng chục xe máy cày, công nông hoán cải cơi nới thùng chạy trên QL1A, chở các loại nông sản, trái cây, khoáng sản, vật liệu xây dựng...

Trên QL1A đoạn giáp ranh giữa huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) và huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), PV còn ghi nhận 2 xe máy cày chở đầy cây gỗ nối nhau bằng một sợi thừng rồi kéo nhau lưu thông theo hướng từ Đồng Nai ra Bình Thuận.

Anh Nguyễn Văn Tài, một tài xế xe khách đường dài cho biết, đa phần những phương tiện này được cải tiến từ các loại động cơ, độ chế thêm nhiều bộ phận như cần số, bánh xe, thùng xe... để chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ; gây hạn chế tầm quan sát cho người đi đường. “Thường các tài xế khi lưu thông trên đường, lỡ gặp các loại xe này thì tốt nhất tránh xa, kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào””, anh Tài nói.

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan các loại máy kéo, máy cày và máy đào độ chế khiến 15 người chết, 4 người bị thương. Trong đó, đa số xe các phương tiện này không được đăng ký cấp biển số, không kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật (xe không có nguồn gốc) nhưng vẫn được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu, nông sản, khai thác vận chuyển khoáng sản trên các tuyến QL, tỉnh lộ, đường nội thị, nông thôn. Nhất là vào mùa thu hoạch nông nghiệp, tình trạng này diễn biến phức tạp.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Phòng CSGT còn phát hiện một số đối tượng lợi dụng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoặc giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật nhằm mục đích “bảo kê” cho xe tự chế.

Lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, gắn với chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng CSGT, công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân không đưa các loại phương tiện tự chế hoạt động trên đường giao thông. Nếu phát hiện vi phạm tiến hành lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện theo quy định.

Dự kiến, từ 15/9/2024, Phòng CSGT sẽ tổ chức các Tổ công tác để kiểm tra, xử lý chuyên đề xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT. CSGT sẽ phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh các địa phương có tuyến QL1A đi qua để rà soát, lập danh sách thương binh, bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn; trong đó xác định cụ thể số người hiện đang sử dụng xe tự chế, ghi nhận đầy đủ các thông tin nhân thân và loại xe tự chế đang sử dụng. Đồng thời, rà soát, lập danh sách các đối tượng khác (không phải là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật) hiện đang sử dụng xe tự chế để vận chuyển hàng hóa; đối tượng có dấu hiệu “bảo kê” sử dụng xe tự chế; các xưởng cơ khí, cơ sở sửa chữa xe sản xuất, lắp ráp xe tự chế.

Phòng CSGT cũng sẽ phối hợp chính quyền địa phương lập các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của các xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe tự chế, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đọc thêm