Cảnh sát Môi trường “đối mặt” thách thức lớn

Sáu tháng đầu năm, chỉ riêng lực lượng Cảnh sát Môi trường CA TP Hải Phòng đã phát hiện, xử phạt tới 227 DN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. PC49 xác nhận, các hành vi vi phạm xảy ra ở mọi khâu và trên hầu khắp các lĩnh vực.

Sáu tháng đầu năm, chỉ riêng lực lượng Cảnh sát Môi trường CA TP Hải Phòng đã phát hiện, xử phạt tới 227 DN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. PC49 xác nhận, các hành vi vi phạm xảy ra ở mọi khâu và trên hầu khắp các lĩnh vực.

Ống khói của nhà máy phân  bón DAP lúc nào cũng cuồn cuộn
Ống khói của nhà máy phân bón DAP lúc nào cũng cuồn cuộn

“Cảnh báo đỏ” bãi rác thải ven biển

Theo báo cáo của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – CA TP Hải Phòng (PC49), trong sáu tháng đầu năm, PC49 đã tổ chức kiểm tra, phát hiện tới 303 vụ việc về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, có tới 227 vụ việc do doanh nghiệp gây ra. Phòng này xác nhận,  vi phạm xảy ra ở tất cả các khâu, như DN không lập, không thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; trực tiếp gây nguy hại ô nhiễm môi trường; vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; nhập khẩu chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam; vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức khai thác khoáng sản không được phép của cơ quan quản lý nhà nước...

Theo PC49, Hải Phòng đang phải đối diện với một loại các vấn đề về ô nhiễm môi trường.  Có thể nhìn thấy các nhà máy thép trên địa bàn vẫn ngày đêm xả khí thải, rồi hàng chục cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng nhưng đến nay mới chỉ có hai nhà máy, gồm Xi măng Chinh Phong và Nhà máy xi măng Hải Phòng đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, hạn chế việc xả khói bụi ra ngoài...

Tuy nhiên, theo đánh giá của PC49, nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nhất mà Hải Phòng phải đối mặt trong thời gian tới chính là bãi rác thải Đình Vũ, khu xử lý rác thải, trạm xử lý bùn phốt Tràng Cát và khu bãi chất thải của Nhà máy Dap Vinachem. PC49 cho rằng, mỗi ngày, bãi rác Đình Vũ tiếp nhận, xử lý từ 400 -500 tấn rác thải sinh hoạt, trong khi trạm xử lý nước thải của bãi rác này đã không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước rỉ rác. Cánh bên kia sông, bãi chất thải của Nhà máy Dap Vinachem đã tồn chứa đến 2 triệu m3 chất thải rắn; các bồn chứa axitsunfuric, photphoric, amoniac luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, PC49 cảnh báo, bãi rác Đình Vũ, khu liên hiệp xử lý rác thải, trạm xử lý bùn phốt Tràng Cát, khu bãi thải của Nhà máy Dap Vinachem đều được xây dựng ven biển, mỗi khi thủy triều dâng, mùa mưa bão dễ gây tràn, đổ chất thải ra biển, gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kinh tế suy thoái, DN càng phát sinh vi phạm

Ngoài ra, trên địa bàn Hải Phòng hiện có tới 23 DN lớn hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất da giầy, hầu hết các DN này thường xuyên thuê các tổ chức, cá nhân tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn. Theo nhận định của PC49, những tổ chức, cá nhân được thuê xử lý chất thải của cơ sở da giày đã không xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định. Tình trạng chất thải da giầy bị đổ trộm bừa bãi, đốt chất thải tại các tuyến đường giao thông xảy ra thường xuyên.

Trên địa bàn thành phố có tới 59 bệnh viện, phòng khám đa khoa, qua kiểm tra định kỳ, đột xuất, PC49 phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thiếu cam kết bảo vệ môi trường. Rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tuy đã được thu gom, phân loại theo quy trình song chưa hoàn thiện. Có cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được vận hành, xử lý nước thải đúng quy định…. Đây được coi là nguồn nguy hiểm cao độ về an toàn chất thải y tế trên địa bàn. Nhiều cơ sở y tế còn vi phạm cả quy định về an toàn bức xạ, phóng xạ.

Trước thực trạng vi phạm môi trường diễn ra thường xuyên,  phức tạp, PC49 đã chuyển cho cơ quan CSĐT huyện Thủy Nguyên điều tra một vụ khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn. Hoạt động khai thác trái phép đất đồi, cát sỏi dưới lòng sông xảy ra tại hầu khắp các tuyến sông chảy qua Hải Phòng. Ngay cả khu vực của biển Cát Bà, Cát Hải, hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên này cũng diễn ra hết sức “nhộn nhịp”, các tổ chức, cá nhân dùng tàu hút công suất hàng nghìn m3 để khai thác cát, những hành vi này vừa gây ô nhiễm môi trường, làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, vừa gây nguy cơ sạt lở đê điều.

Không những thế, theo nhận định của PC49, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các DN là nguyên nhân chính gây nên nhiều vụ khiếu kiện đông người. Theo cơ quan này, nhiều DN vì lợi nhuận đã xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Nhiều DN sử dụng công nghệ lạc hậu, chất thải được thải ra nhiều hơn so với cam kết, đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo dự báo của PC49, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sẽ có nhiều hơn số DN chạy theo lợi nhuận, lơi là công tác bảo vệ môi trường, những vi phạm về môi trường sẽ diễn ra phổ biến, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, cảnh sát môi trường cấp cơ sở (cấp quận – huyện) chưa được thành lập, việc đấu tranh phòng chống các vi phạm về bảo vệ môi trường thực sự trở thành thách thức đối với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.

Linh Nhâm

Đọc thêm