“Canh tác” vô tội vạ" trên… "đất vàng" Hà Nội

Sở hữu nhiều diện tích đất vàng tại những địa điểm lý tưởng, nhiều DN không ngại ngần ký kết với đối tác để cho thuê mặt bằng kinh doanh, cho thuê công sản vô tội vạ, trái với Luật Đất đai… đang là câu chuyện khá phổ biến tại Hà Nội.

Sở hữu nhiều diện tích đất vàng tại những địa điểm lý tưởng, nhiều DN không ngại ngần ký kết với đối tác để cho thuê mặt bằng kinh doanh, cho thuê công sản vô tội vạ, trái với Luật Đất đai… đang là câu chuyện khá phổ biến tại Hà Nội.

Khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ bị "băm nhỏ" cho thuê

Băm nát đất công

Có đến 55 tổ chức, cá nhân được Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho thuê gần 60.000m2 đất trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội). Với việc được giao gần 20 ha đất phục vụ mục đích phục vụ cho hoạt động của ngành đường sắt như sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe, máy công cụ, sản xuất phục hồi phụ tùng đầu máy, toa xe, kiểm định đồng hồ áp lực và mẫu kim loại… thì trên số đất này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm  đã “băm nát” khi liên tục có sự xuất hiện của các tổ chức tín dụng, siêu thị, nhà hàng.

Cụ thể, văn phòng giao dịch của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nguyễn Văn Cừ đã lấy khu đất này làm nơi hoạt động, chưa kể các “tên tuổi” không liên quan gì đến “đường sắt” cũng được lãnh đạo nhà máy cho thuê đất để mở địa điểm như Cty Đại Cường, siêu thị Fivimart, cửa hàng Vạn Hoa, nhà hàng Hùng Oanh…

Theo tài liệu Pháp luật Việt Nam có được, trong hai năm 2002 và 2004, lãnh đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã đặt bút ký hợp đồng với Cty Đại Cường, cho DN này thuê 1.400m2 đất tại địa chỉ 583 Nguyễn Văn Cừ, sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, DN thuê đất đã phá bỏ nhà xưởng và xây dựng dãy nhà 2 tầng mái tôn, khung sắt để hoạt động.

Việc cho thuê đất nói trên, trong một văn bản mới đây của TP. Hà  Nội xác định là “trái pháp luật”. Tuy nhiên, không chỉ đến bây giờ sự việc mới vỡ lở, năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản đề nghị TCty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép trên, giữ nguyên diện tích đất để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, văn bản chỉ đạo này dường như không có hiệu lực trên thực tế, bởi đến năm 2012, những địa điểm cho thuê vẫn được cho thuê trái phép.

Nằm trên hai mặt tiền của phố Láng Hạ và đường Thái Hà, Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng “tranh thủ” thế mạnh đất vàng để cho DN ở ngoài vào đứng tên thuê mặt bằng. Ngay mặt đường Láng Hạ, đối diện với tòa tháp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cả tầng một sát khu điều hành của Trung tâm này biến thành siêu thị điện máy. Theo quan sát, hoạt động mua bán tại siêu thị này vẫn rầm rộ, bất chấp khán giả vào trung tâm này cần một không gian yên tĩnh để có thể xem hết từng bộ phim mới được chiếu nơi này.

Ngân sách thua thiệt

Ngoài các “địa chỉ” đất công nói trên bị phù phép, tin từ Sở TN& MT Hà Nội, cho thấy, hàng loạt DN được giao quản lý đất tại Hà Nội cũng cho thuê đất không đúng mục đích, trái với quy hoạch. Như khu đất của Nhà máy cơ khí công trình Hà Nội đang sử dụng tại phố Minh Khai,  khu đất tại Phan Đình Giót của Cty thiết bị Giáo dục I, Cty CP cầu 5 Thăng Long tại khu đất nằm ở bờ bắc sông Hồng, TCty Vàng Agribank tại cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín.

Trên thực tế, cơ quan chức năng ở Hà Nội đã có nhiều biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng tài sản công là quỹ đất bị sử dụng sai mục đích; tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn như ra quyết định thu hồi đất, có vẻ đã không thực sự là “bài học” cho nhiều DN đang xẻ thịt đất công như đã nói.

Theo thống kê của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), riêng tại Hà Nội, trong tổng số hơn 1.000 địa điểm nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được cho hơn 800 DN, đơn vị thuê lại với tổng diện tích gần 190.000m2; trong đó, có hàng trăm trường hợp không sử dụng đúng mục đích, tự ý cho thuê lại với giá cao vượt trội.

Việc nhiều DN được giao quản lý nhà và quỹ đất tại nhiều vị trí đẹp nhưng tiến hành kinh doanh “ngoài luồng” bằng việc cho thuê lại đã đem về nguồn lợi rất lớn cho chủ sở hữu nhưng lại gây thất thoát nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Trong khi đó, hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn phải chi ra để đảm bảo cho công tác quản lý, nâng cấp quỹ nhà này. Bằng việc kinh doanh “ngoài luồng”, khó có thể minh bạch được nguồn tài chính thu về cho các đơn vị hàng năm trong khi số tiền trả về cho nhà nước có “đơn giá”  chỉ tính bằng trăm ngàn đồng cho mỗi tháng!.

Trả lại đúng giá trị cho mỗi tấc đất trong khối lượng công sản đang được DNNN quản lý là đòi hỏi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

PVKT

Đọc thêm