Cảnh tượng khó quên trong trận lũ lịch sử ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nước đục ngầu cuồn cuộn cuốn vật dụng, ô tô, nhà… là những hình ảnh khó quên về trận lũ ở Nghệ An vừa qua. Nhiều người thất thần vì bị trôi hết tài sản, có những đứa trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Thực tế đòi hỏi cấp bách triển khai các biện pháp đủ để hạn chế sự tàn phá của loại hình thiên tai này.

Clip do camera an ninh của gia đình tại Nghệ An ghi lại hình ảnh nước lũ ào về lúc 14h19 ngày 29/9, khi sân nhà đang có bộ bàn ghế và nhiều đồ dùng của gia đình. Lũ đục ngầu tràn từ phía sau nhà qua khu bếp ra sân, nước cuồn cuộn dâng quanh nhà.

Nước lũ kéo xô, chậu, thùng nước... từ nhà ra sân. Đàn gà không kịp chạy cũng bị nước cuốn trôi. 2 con gà vướng vào bộ bàn ghế ở sân may mắn được chủ nhà nhấc lên bàn đứng.

Chưa đầy 3 phút từ khi lũ ào tới, nước dâng cao tới nửa mét, ngập hết bộ bàn ghế để ở sân, tràn qua bậc tam cấp vào nhà.

Khoảng 1h ngày 2/10, mưa lớn tại huyện Kỳ Sơn. Sau đó chừng một giờ, lũ quét xảy ra ở khu vực bản Sơn Hà, xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Theo cán bộ văn hóa xã Tà Cạ, nước lũ tràn qua nhiều đợt, mạnh nhất là lúc 2h ngày 2/10, có lúc "lên nhanh không thể tưởng tượng nổi", hơn 10 phút đã dâng hơn 1m.

Nước lũ đục ngầu, chảy xiết tràn qua khu vực thị trấn Mường Xén làm nhiều tuyến đường, cơ quan, công sở ngập 0,5-1m.

Một số ô tô bị cuốn trôi ra sông, nhiều nhà bị đổ sập. Nước lũ lên nhanh nên một số người dân phải rời khỏi nhà, chạy lên khu vực cao để đảm bảo an toàn.

Mưa lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa.

Mưa lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa.

Lũ rút, người dân trở về nhà từ khu di tản tập trung, nhưng nhiều tài sản đã bị nước cuốn trôi. Còn lại là ngổn ngang bùn đất, gạch vỡ và đá.

Nhà Phan Thị Hương (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) chỉ còn lại mấy tấm gạch lát vỡ. Ảnh VTC News.

Nhà Phan Thị Hương (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) chỉ còn lại mấy tấm gạch lát vỡ. Ảnh VTC News.

Cổng chính của Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vietnamnet.

Cổng chính của Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vietnamnet.

Tại huyện Diễn Châu, mưa lũ ngày 29/9 khiến hàng nghìn con gà của ông Nguyễn Đức Thế (40 tuổi, xóm Bàu Xuân, xã Diễn Đoài) chết. Một khu du lịch sinh thái ở huyện Diễn Châu đứng ra nhận mua toàn bộ gà chết để làm thức ăn cho hổ, với điều kiện gà phải được làm sạch.

Người dân giúp gia đình ông Thế làm sạch 4.000 con gà.

Người dân giúp gia đình ông Thế làm sạch 4.000 con gà.

Biết gia đình ông Thế không thể làm sạch cả ngàn con gà trong thời gian ngắn, nếu để lâu thì gà chết hỏng, không bán được, bà con chòm xóm tập trung lại, người đun nước, người vặt lông, người mổ gà giúp. Nhờ vậy, 4.000 con gà chết do mưa lũ được người dân làm sạch sau khoảng 10 giờ. Hình ảnh cả làng tập trung giúp gia đình ông Thế được chia sẻ khiến cư dân mạng xúc động.

Gặp nạn trong mưa lũ, anh Nguyễn Văn Ái (38 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Lan (37 tuổi, ngụ xóm 12, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc) đã không thể trở về bên các con thơ. Khoảng 16h ngày 29/9, khi đi qua cầu Cố Hòa (xã Nghi Lâm) nước đang ngập sâu, vợ chồng anh Ái bị lũ cuốn mất tích cùng chiếc xe máy. Đến sáng 30/9, thi thể 2 nạn nhân được tìm thấy.

Anh Nguyễn Văn Nhung (em trai chị Lan) cho biết, mấy hôm trước anh Ái chạy xe máy chở phân bón cho khách, không may ngã xe, chấn thương ở bàn chân phải và khâu 18 mũi. Anh Ái phải đi tiêm hàng ngày. Trước đó anh tự đi bằng xe đạp điện. Hôm 29/9 trời mưa lớn nên chị Lan chở anh đi tiêm...

Vợ chồng anh Ái có 3 con, con đầu đang học lớp 6, con út mới học lớp 1.

3 cháu bé đeo khăn tang, mang theo di ảnh bố mẹ khiến ai cũng xót xa.

3 cháu bé đeo khăn tang, mang theo di ảnh bố mẹ khiến ai cũng xót xa.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH LŨ QUÉT

Các biện pháp phòng tránh lũ quét được phân ra làm hai loại: biện pháp công trình và biện pháp phi công trình:

Các biện pháp công trình

- Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

- Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước nhiều tác dụng như: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện, kết hợp với việc điều hoà lũ, phòng chống lũ quét.

Khai thông các đường thoát lũ. Tổ chức khai thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu, các khu vực cần bảo vệ nhằm mục đích không để sinh ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước tạo ra lũ quét nghẽn dòng.

- Xây dựng đê, tường chắn lũ quét. Ở các khu vực có điều kiện xây dựng công trình ngăn lũ quét có thể nghiên cứu xây dựng các tuyến đê hoặc tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.

- Phân dòng lũ. Dựa vào địa hình có thể nghiên cứu phân dòng lũ nhằm làm giảm tác động của lũ quét vào khu vực cần bảo vệ.

- Xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước. Để đề phòng sự cố ở các hồ chứa nước gây ra lũ quét nhân tạo, cần phải gấp rút xây dựng bổ sung các tràn sự cố và xây dựng các phương án phòng chống lụt bão để có thể khắc phục được ngay những sự cố do lũ, bão gây ra.

- Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của đường giao thông. Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắnvà dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.

b) Các biện pháp phi công trình

Các biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hoà với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm:

- Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét

Từ kết quả nghiên cứu về nguyên nhân, cơ chế hình thành, vận động của lũ quét và khảo sát thực tế, cho phép lập được bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.

- Quản lý sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

- Điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ

Thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

- Sơ tán khỏi vùng lũ quét

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh, cụ thể cần:

+ Xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết.

+ Chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét.

+ Có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.

+ Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh.

+ Thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.

Trích bài "Các biện pháp phòng tránh lũ quét, lở đá", Tạp chí Tuyên giáo

Đọc thêm