Nỗ lực giúp dân vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian qua, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực trũng thấp, sạt lở một số nhà dân, ách tắc đường giao thông. Phát huy tinh thần “tất cả vì tính mạng và tài sản của nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị quân đội đã dầm mình trong dòng nước lũ để vận chuyển người, tài sản, vật nuôi, làm cầu tạm, gặt lúa giúp dân...
 Đưa người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ra khỏi vùng bị ngập lụt.
Đưa người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ra khỏi vùng bị ngập lụt.

Nhanh chóng di dời dân, làm cầu tạm

Trong tháng 5/2022, cả nước đã chịu ảnh hưởng của 49 trận mưa lớn, 15 trận mưa dông, lốc, sét, 13 vụ sạt lở bờ sông, 17 trận động đất. Thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay đã làm 61 người chết, mất tích, 35 người bị thương; 121 nhà sập; 2.372 nhà hư hỏng, tốc mái; 166.452ha lúa, hoa màu ngập úng. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 3.875 tỉ đồng.

Ngay sau khi mưa lũ diễn ra, các đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn đã nhanh chóng cử lực lượng xuống địa bàn, phối hợp với địa phương hỗ trợ các gia đình khắc phục thiệt hại.

Mưa lớn kéo dài tại khu vực xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang làm cho nước sông Thảo dâng cao bất thường, gây lụt cục bộ tại một số địa bàn của xã. Trước sự uy hiếp của dòng nước lũ đối với tính mạng, tài sản của người dân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại trên địa bàn đã nhanh chóng cơ động lực lượng giúp nhân dân sơ tán người và vật chất ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhờ sự chủ động, kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18, địa bàn không xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân. Đồng thời, đơn vị tiến hành tốt công tác dân vận, kịp thời nắm bắt, động viên tinh thần bà con, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Trận mưa kéo dài từ ngày 16 đến sáng 19/6 vừa qua đã làm sạt lở một số đường giao thông trên địa bàn huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Đặc biệt, mưa lũ đã cuốn trôi toàn bộ cây cầu bắc qua suối Nậm Đích, thuộc địa bàn bản Mới 1, xã Chà Cang, cắt đứt đường giao thông từ xã Chà Cang đi xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ.

Cây cầu nằm trên con đường độc đạo, muốn đến được trung tâm huyện Nậm Pồ, người dân trên địa bàn xã Chà Cang và các xã lân cận phải đi trên con đường này. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 Quân khu 2 đã chỉ đạo Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 điều động 15 cán bộ, chiến sĩ và thanh niên tình nguyện phối hợp với các đoàn thể địa phương và nhân dân san lấp hàng trăm mét khối đất, đá sạt lở, huy động vật liệu, kè đá, kè móng, làm cầu tạm bằng gỗ với chiều dài 50m bắc qua suối, kịp thời phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn xã Chà Cang, Nậm Tin.

Đại tá Nguyễn Văn Huân, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 cho biết, việc bắc cầu tạm là nhiệm vụ cấp thiết của đơn vị để phục vụ cho nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Trước diễn biến bất thường của tình hình thời tiết cực đoan trên địa bàn, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đơn vị luôn coi trọng làm tốt công tác nắm tình hình, chuẩn bị mọi mặt về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cao nhất cho tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hối hả đắp đê bao, giúp dân gặt lúa chạy lũ

Những ngày cuối tháng 5, mưa lớn trên diện rộng và kéo dài ở miền Bắc khiến nước sông Tích dâng cao, đê bao sông Tích bị tràn, gây ngập vùng trồng lúa và hoa màu trên địa bàn các xã: Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Đông Yên, Hòa Thạch với diện tích khoảng 110ha. Trước tình hình đó, bộ đội và dân quân huyện Quốc Oai đã phối hợp với các lực lượng thu hoạch được khoảng 50ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập úng; đắp khoảng 5km con trạch trên các tuyến đê bao (xấp xỉ 1.500m3 đất) để giữ cho 247ha lúa chưa đến kỳ thu hoạch; xử lý hai cống bị bục vỡ trên tuyến đê sông Tích... Hình ảnh bộ đội, dân quân nỗ lực giúp dân đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương.

Bộ đội dùng phao đưa người già, trẻ em ra khỏi vùng lụt.

Bộ đội dùng phao đưa người già, trẻ em ra khỏi vùng lụt.

Thượng tá Nguyễn Đỗ Tùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quốc Oai cho biết, vào thời điểm đó, Ban CHQS huyện Quốc Oai đang tổ chức huấn luyện cho Đại đội xung kích phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện năm 2022. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân ứng phó với thiên tai được huấn luyện bằng tình huống đúng thực tế nên rất hiệu quả.

Ở xã Đông Yên, Quốc Oai, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) đã cùng với dân quân địa phương và người dân tiến hành gia cố gần 1.000m đê xung yếu có nguy cơ bị tràn, bảo vệ hơn 100ha lúa của nhân dân xã Đông Yên và Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Tại vùng biên giới Lai Châu, đợt mưa kéo dài trên diện rộng, khiến nhiều diện tích cây ngô, lúa vụ Đông Xuân đến kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng. Thấu hiểu nỗi lo của bà con, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã xắn quần lội ruộng, giúp bà con thu hoạch mùa vụ.

Trong đó, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có hơn 40ha lúa, ngô vụ Đông Xuân đến thời kỳ thu hoạch. Với phương châm “Giúp nhà nào, gọn nhà đó”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã không quản thời tiết để hoàn tất việc gặt, thu gom lúa về địa điểm tập kết rồi tuốt lúa, đóng bao tải, vận chuyển qua suối rồi mang về nhà cho bà con.

Đọc thêm