Cao Bằng phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025 có khoảng 40% dân số tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Căn cứ Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia được Chính phủ phê duyệt, nhằm mục tiêu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về phát triển TMĐT phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Các nội dung đã và đang được triển khai như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường năng lực hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa trong tỉnh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp...

Sở Công Thương chủ trì tổ chức các lớp tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT.

Sở Công Thương chủ trì tổ chức các lớp tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Cao Bằng phối hợp với đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức 4 lớp tại thành phố Cao Bằng cho gần 400 học viên là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hiện có 120/125 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương đã được triển khai ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Cao Bằng và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT bằng việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng các giải pháp TMĐT vào sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022-2023, Cao Bằng tổ chức 36 lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng TMĐT tại các huyện cho 1.300 học viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã; các hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai các Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp TMĐT như: phần mềm quản lý dữ liệu cho 5 đơn vị (năm 2019); hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng Online cho 7 đơn vị (năm 2020); phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho 12 đơn vị (năm 2021).

Sở Công Thương đang quản lý và vận hành 3 hệ thống phần mềm, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, gồm: Bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt có địa chỉ http://caobang.etix.vn; Hệ thống hội chợ, triển lãm trực tuyến tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobang.ifair.vn; Cổng thông tin giao dịch TMĐT tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobangtrade.vn.

Cao Bằng triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử theo Kế hoạch số 2529/KH-UBND của UBND tỉnh; tuyên truyền, thông tin rộng rãi về chương trình phát triển cửa hàng số tỉnh Cao Bằng trên các sàn, cổng thông tin thương mại điện tử: Voso.vn, Postmart.vn, Caobangtrade.vn. Khi đưa sản phẩm lên các sàn, trang TMĐT, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm ra với khách hàng trong và ngoài nước.

Để đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến hơn nữa, các cấp, các ngành của tỉnh Cao Bằng cần tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số.

Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025 có khoảng 40% dân số tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến; 40% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT.

Để đạt được những mục tiêu đó, trong thời gian tới các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp. Đồng thời, Cao Bằng tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh.

Cao Bằng triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình doanh nghiệp số đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương; rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử, theo kịp với các bước tiến của công nghệ trong lĩnh vực này.

Cao Bằng sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm: phát triển hạ tầng thanh toán điện tử để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; Hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động hoàn tất đơn hàng và vận chuyển cho TMĐT.

Đọc thêm