UBND tỉnh Đồng Nai vừa làm việc với các đơn vị liên quan để giải quyết các vướng mắc liên quan đến đầu tư Cảng hàng không Biên Hoà. Sở GTVT Đồng Nai cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Sân bay Biên Hòa là chưa xác định được cơ quan lập quy hoạch.
Chưa xác định được cơ quan lập quy hoạch
Cảng hàng không Biên Hòa (Sân bay Biên Hòa) đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Qua rà soát, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đồng Nai cho biết, đối với sân bay Biên Hoà, Bộ GTVT đã có văn bản ủng hộ chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Nhưng Bộ GTVT vẫn chưa xác định cơ quan lập quy hoạch và có giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận sản phẩm tài trợ để rà soát các điều kiện theo quy định.
Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (người đứng) đề nghị các đơn vị trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Sân bay Biên Hòa. |
Theo đó, tháng 11/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết số 154/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW Bộ Chính trị, đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không lưỡng dụng.
Căn cứ quy định tại khoản 3, điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa như nội dung theo đề xuất của tỉnh trước đó.
Ngày 13/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 175/TTg-CN về đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư.
Theo quy định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay thì cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT. Thế nhưng cuối năm 2023, Bộ GTVT đã có văn bản ủng hộ chủ trương tỉnh Đồng Nai tài trợ sản phẩm là hồ sơ quy hoạch Sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chưa xác định cơ quan lập quy hoạch.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức tiếp nhận sản phẩm tài trợ để rà soát các điều kiện, trình phê duyệt theo quy định. Sau khi tiếp nhận sản phẩm tài trợ, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo thuộc trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch.
Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Để đảm bảo các điều kiện lập, thẩm định trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Sân bay Biên Hòa phù hợp quy hoạch, Sở GTVT làm việc với đơn vị tài trợ để tiếp nhận hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình tỉnh gửi Cục Hàng không Việt Nam theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, cùng với Sở GTVT và các đơn vị liên quan hướng dẫn thành phố Biên Hòa cập nhật dự án vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch. Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác khảo sát, xác định ranh giới, tài sản trên đất đối với diện tích đất dự kiến khoảng 50 hécta sẽ bàn giao cho địa phương xây dựng nhà ga phục vụ khai thác lưỡng dụng Sân bay Biên Hòa.
Triển khai đầu tư dự án theo phương thức PPP
Theo văn bản số 175/TTg-CN do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký về việc đầu tư Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư (PPP). UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Bộ gồm: GTVT, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai.
Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030.
Trong đó, Đồng Nai có 2 Cảng hàng không là Long Thành (Cảng hàng không quốc tế) và Biên Hoà (Cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch thành Cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng. Việc Sân bay Biên Hoà được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng sẽ tạo thêm cơ hội, động lực trong phát triển kinh tế, xã hội cho TP.Biên Hoà nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Công suất dự kiến 5 triệu hành khách/ năm
UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị xác định diện tích được bàn giao để nghiên cứu nâng cấp Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm. Diện tích đất sân bay Biên Hòa khoảng 967 ha, có khả năng bố trí khoảng 50 ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.
Khi Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự - thương mại là Sân bay Quốc tế Long Thành và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.