Cao điểm vận tải Tết: Khó dẹp nạn tăng giá, “chêm” khách

(PLO) - Dù các Sở GTVT, các bến xe đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát các nhà xe mỗi dịp Tết Dương lịch và Âm lịch nhưng tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét khách vẫn thường xuyên diễn ra và là nỗi ám ảnh đối với nhiều hành khách.
Dự kiến tại bến Mỹ Đình dịp Tết 2018 lượng khách tăng từ 20-40%

Thoải mái “hét” giá…

Chị Trịnh Thị Duyên, quê Giao Thủy, Nam Định lên Hà Nội học và làm việc được khoảng 7 năm nay. 

Cứ đến dịp lễ tết về quê, nỗi ám ảnh lớn nhất của những người đi làm ăn xa là đi xe khách. Ngoài việc các nhà xe tự ý tăng giá cước, trung bình khoảng 150%, hành khách còn lo ngại tình trạng nhồi nhét khách, nhiều nhà xe còn không tuân thủ các quy định về giờ giấc, cứ chật kín khách là xe chạy, khiến nhiều người lỡ việc về quê. 

Khảo sát nhiều hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải hành khách cuối năm, đa số các ý kiến đều chung nhận định đây là dịp nhiều nhà xe nhồi nhét khách, tự ý tăng giá cước. Phóng viên Báo PLVN cũng dò hỏi một số nhà xe thì chủ nhà xe thừa nhận, dịp lễ tết thường tăng cước phí với lí do “có mỗi dịp này bọn anh kiếm thêm được tý”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng năm vào dịp cuối năm, các Sở GTVT, các bến xe đều lập kế hoạch tổ chức triển khai phục vụ vận tải hành khách trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân. 

Vì sao triển khai kế hoạch kém hiệu quả?

Năm nay, Sở GTVT Hà Nội ban hành Kế hoạch số 875/KH-SGTVT ngày 7/11/2017 để triển khai tổ chức vận tải hành khách. Tại Kế hoạch này, Giám đốc sở Vũ Văn Viện nêu rõ, dịp Tết Dương lịch, Âm lịch và mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 lượng hành khách có nhu cầu đi lại từ Hà Nội và các tỉnh sẽ cao hơn ngày thường.

Lãnh đạo Sở yêu cầu các đơn vị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong những dịp trên; đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ông Viện cũng yêu cầu lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát tại các bến xe nhằm phát hiện vi phạm để xử lý.

Đặc biệt, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội còn yêu cầu các bến xe phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh triển khai sớm các hình thức bán vé đến tận tay khách hàng; chủ động ký hợp đồng với các trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế suất đóng trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu đi các tỉnh thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, đơn vị này đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương và Âm lịch 2018 từ đầu tháng 12/2017. Theo lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình, dịp Tết lượng khách sẽ tăng khoảng 20% đến 40% so với ngày thường. Dự kiến sẽ có 2 đợt cao điểm: Đợt 1 từ chiều thứ 6 ngày 29/12/2017 đến sáng thứ 7 ngày 30/12/2017. Đợt 2 bắt đầu từ chiều ngày 7/2/2018 đến hết ngày 15/2/2018 (tức từ ngày 22 đến 30 tháng Chạp năm Đinh Dậu) và 10 ngày sau Tết Nguyên đán đối với các tuyến đường dài.

Cũng theo lãnh đạo bến Mỹ Đình, các phương tiện vận tải ở bến chỉ đạt bình quân hơn 50% hệ số khách, nên với lượng xe hiện có cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, các tuyến như Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng… có thể xảy ra tình hình ùn ứ vào một số thời điểm. Một số xe có thể được tăng cường cho các tuyến này.

Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, đơn vị này đã ban hành Kế hoạch số 68/CPBX-GB ngày 7/12/2017 về việc triển khai phục vụ vận tải hành khách trong hai dịp Tết tới đây. Theo ông Thành, về cơ bản xe hoạt động tại bến đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong dịp Tết Mậu Tuất, bến xe dự kiến sẽ bố trí xe tăng cường cho khoảng 7 tuyến cố định là Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

Dù các đơn vị chức năng cố gắng hạn chế tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét khách, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là dịp lễ Tết. Giải thích điều này, ông Trần Đăng Hải - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, dịp cao điểm, lực lượng thanh tra thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác như bến xe, lực lượng an ninh phường gần các bến xe, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhồi nhét, tăng giá vé. Tuy nhiên, một phần do lực lượng mỏng, phần khác do số lượng người xe quá đông đúc, cơ quan giám sát không thể làm hết mọi việc nên tình trạng nhồi nhét, tăng giá vẫn diễn ra. 

Đọc thêm