Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km và qua địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km. Đối với việc đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với TP. Cao Bằng, Thủ tướng giao UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, rà soát, huy động nguồn lực, đầu tư thành một dự án độc lập.
Quyết định số 20 đã điều chỉnh quy mô phân kỳ của Dự án. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với Quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng) với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m (chiều dài khoảng 24% toàn tuyến); đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang nền đường 13,5 m (chiều dài khoảng 76% toàn tuyến) có kích thước cơ bản của công trình đầu tư trong giai đoạn 1 phân kỳ đáp ứng nhu cầu giao thông, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phù hợp về kinh tế - kỹ thuật.
Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ đầu tư tiếp 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh) theo quy mô bề rộng nền đường 17 m và hoàn thiện quy mô cắt ngang nền đường 17 m với các đoạn tuyến với quy mô nền đường 13,5 m đã thực hiện trong giai đoạn 1; bố trí làn dừng xe khẩn cấp xen kẽ.
Trong bước tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu tối ưu hoá hướng tuyến, xác định cụ thể các nút giao nhằm phát huy khai thác hiệu quả tối đa tuyến đường cao tốc cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 1, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác) là 6.594 tỷ đồng; nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, giai đoạn 1 Dự án được thay đổi là là từ năm 2020 - 2025. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ 2026 - 2049) sẽ được xác định cụ thể trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết hợp đồng Dự án. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau năm 2025.
Đặc biệt, Quyết định số 20 cho phép Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu cho dự án theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương.
Việc cho phép Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu là một nội dung rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư không mặn mà với các dự án giao thông PPP một phần do chưa quy định cơ chế chia sẻ doanh thu. Luật PPP có hiệu lực từ đầu năm 2021, cho đến nay, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án giao thông đầu tiên được phép áp dụng cơ chế này. Việc được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu có thể sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mặn mà hơn với đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức PPP trong thời gian tới.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh điều chỉnh là 22.690 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng. Giá trị tổng mức đầu tư được xác định cụ thể trên cơ sở thiết kế cơ sở và hồ sơ dự án trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.