Vay vốn và những lo ngại cần giải đáp
Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài 96 km, tổng vốn đầu tư dự kiến là 16 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến vay vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD, tương đương 6.860 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đang bị đặt ra nhiều câu hỏi về các điều kiện đi kèm, các rủi ro như vẫn thường xảy ra trong nhiều dự án sử dụng nguồn vốn Trung Quốc.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, số tiền 300 triệu USD này có nguồn gốc từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải hỗ trợ xuất nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc điều kiện đi kèm thường là chỉ định thầu. Nếu thực sự nó diễn ra theo hình thức chỉ định thầu thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận rất nhiều điều kiện đi kèm, từ nhà thầu và máy móc, nhân công... cho tới nguyên vật liệu thực hiện dự án đều đến từ Trung Quốc.
Cùng chung nhận định về các điều kiện đi kèm cho khoản vay từ Trung Quốc, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, nhiều dự án Trung Quốc làm dưới dạng ODA hay tổng thầu thì đều có những yếu kém về chất lượng, kéo dài thời gian, vốn tưởng rẻ nhưng hóa ra đắt vì sau một thời gian cái gì cũng đội giá lên. Đó là chưa nói dự án này khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Bình luận về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng 29/7, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cá nhân ông không đồng ý với việc vay ODA của Trung Quốc. Ông Vân cũng phân tích, khi làm việc với Trung Quốc, cần phải đem bài học đường sắt Cát Linh - Hà Đông ra xem. Lúc đầu họ chào mời giá rẻ, sau đó họ tìm cách tăng vốn đầu tư lên. Trung Quốc cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc như công nghệ, vật liệu, chỉ định nhà thầu Trung Quốc.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị vận động vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư và chấp thuận chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ này. Bên cạnh đó, đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (với điều kiện chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).
Giải trình phản hồi ý kiến của các bộ, Bộ GTVT cho biết ngoài Trung Quốc, hiện nay chưa có nhà đầu tư nào khác quan tâm đến dự án này. Do vậy, theo Bộ GTVT tại thời điểm hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý.
Trong báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là phương án thích hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, theo cơ quan này, điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD nêu trên “chưa đủ ưu đãi” để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ GTVT, cần tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc và không áp dụng điều kiện hình thức EPC bởi nhà thầu Trung Quốc. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ này đề nghị không chuyển thẩm quyền đầu tư và không áp dụng cơ chế sử dụng vốn cấp phát cho dự án; đề nghị phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn sử dụng và cơ chế tài chính cho dự án.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay “có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc”. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp.
Nguồn vốn “nội” đã sẵn sàng
Trước nguy cơ chậm triển khai Dự án này theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trao đổi cụ thể với báo chí, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước đang rất quan tâm đến việc đầu tư con đường này.
Các nhà đầu tư đưa ra phương án cho thấy con đường này hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Theo đó, ngân sách chỉ cần bỏ ra một khoản vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư sẽ đầu tư con đường 4 làn xe. Theo tính toán, khả năng huy động vốn theo tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%.
Lý giải thêm cho phương án tỉnh Quảng Ninh sẽ huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư cho dự án này, ông Long cho biết, tổng vốn đầu tư con đường này dự kiến là 16 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Như vậy có vay 300 triệu USD cũng không đủ để đầu tư. Ngoài ra, để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này, điều kia thì rất khó khăn, trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.
Ngày 27/7 vừa qua, sau khi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có văn bản báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, đề nghị tiếp tục để tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động vốn đầu tư Dự án này theo hình thức hợp tác công tư với các nhà đầu tư trong nước.