Cấp chức năng bất nhất, nhà đầu tư giáo dục “thất vọng hoàn toàn”?

"Đầu tư giáo dục thường người ta thuê cơ sở vật chất, để tiết giảm tối đa chi phí ban đầu. Nhưng chúng tôi, với tâm huyết của mình, đã sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây trường, chăm chút đến từng chiếc ghế cho các cháu, vậy mà họ bội bạc. Chúng tôi thất vọng hoàn toàn”, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch HĐQT GIS bày tỏ.

[links()]Sau khi trường xây xong khang trang với số vốn bỏ ra ban đầu lên tới hàng trăm tỷ đồng, chủ đầu tư bất ngờ bị “rút ván” khi tiếp nhận một quyết định mới, gần như “phủi” hoàn toàn quyết định trước đó, cũng do chính Hà Nội ban hành, mà doanh nghiệp đã dựa vào để làm căn cứ đầu tư. 

Trường quốc tế bị cắt điện như cưỡng chế, nguy cơ “trắng” tuyển sinh

PLVN đã có bài “Chủ đầu tư phản pháo tối hậu thư của Hà Nội”, đề cập câu chuyện Trường quốc tế Toàn cầu (GIS) tại Khu đô thị mới Yên Hoà bức xúc phản ánh “giáo dục đang bị ngược đãi”. 

Dù đã hoàn thiện nhưng suốt hai năm qua, hệ thống trường tiểu học và trung học của GIS phải đóng cửa vì HCCI không cung cấp điện.

Thậm chí, vì không đồng tình với yêu cầu “hoàn trả kinh phí suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ô đất”, trường học đã bị chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Yên Hoà là Công ty cổ phần xây dựng dân dụng Hà Nội (HCCI) cắt điện, nhiều bé mầm non buộc phải bỏ học.

Trong khi đó, theo tài liệu của phóng viên, trước đó ngân sách nhà nước đã “ưu ái” khấu trừ cho  HCCI tới hơn 335 tỷ đồng, chiếm đến 57% tổng mức đầu tư hạ tầng dự án.

Chủ đầu tư đút túi hơn 36 tỷ đồng

Biên bản của liên ngành xác định, nhà đầu tư thứ cấp là GIS phải nộp số tiền tạm tính tại các ô đất C1, C2, C3, C4 cho ngân sách là hơn 47,7 tỷ đồng  (57%), trả cho HCCI hơn 36 tỷ đồng, tương đương 43%.

Lật lại hồ sơ, ngày 27/4/2012, một cuộc họp liên ngành (Sở Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, HCCI, GIS)  đã được tổ chức nhằm “xác định suất đầu tư hạ tầng của dự án Khu đô thị mới Yên Hòa” làm cơ sở hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng dự án trường mầm non, tiểu học, THCS mà GIS đã đầu tư.  

Con số được đưa ra là 633 tỷ đồng, trong đó ngân sách 335 tỷ đồng, chiếm 57%  như đã nói ở trên, phần còn lại là nguồn vốn tự có và huy động của chủ đầu tư (HCCI).  

Chốt lại, liên ngành xác định, chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật sẽ phải nộp về ngân sách 57%, nộp HCCI là 43%.

Dù là cuộc họp mang tính sống còn đối với nhà đầu tư, nhưng phía GIS cho hay “không được Sở Tài chính gửi trước bất kỳ một tài liệu hay bản báo cáo nào có liên quan đến việc tính suất đầu tư cơ sở hạ tầng của HCCI”, chỉ khi đến dự họp thì “Sở Tài chính mới gửi duy nhất một Biên bản họp đã được viết kết luận sẵn”.

“Tại biên bản này, Sở Tài chính không tính đến việc hàng trăm tỉ đồng thành phố đã cấp cho HCCI để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, xây dựng  cơ sở hạ tầng từ năm 2002 đến nay nhưng HCCI đã không dùng khoản tiền này để xây trạm điện, cấp nước cho trường học mà chỉ xây những khu kinh doanh thu lời lớn như khu biệt thự, căn hộ…”, đại diện GIS bất bình.

Như PLVN đã phản ánh, ngoài trường mầm non được HCCI cấp điện nhỏ giọt, thì dù đã xây dựng xong hai năm nay nhưng trường tiểu học và trung học của GIS vẫn không có điện. Đại diện GIS cho hay, mùa tuyển sinh đang tới, với tình trạng này thì cả hệ thống trường học lại tiếp tục đóng cửa và nguy cơ phá sản gần như cận kề.

“Các con số trong biên bản của Sở Tài chính dựa vào báo cáo của HCCI để tính suất đầu tư cơ sở hạ tầng là  đều không có căn cứ, phi lý, thiếu thống nhất. Điều đáng nói, trong tổng số 633 tỉ đồng thì có những con số rất kỳ lạ, như chi phí khác 395 tỉ đồng?. Vậy “chi phí khác là chi phí gì?”, đại diện GIS bức xúc.

“Đòn chí tử” cho nhà đầu tư giáo dục

Chủ đầu tư GIS bức xúc là phải, vì không giống như con số “tạm tính” suất đầu tư chênh lệch lên đến hàng chục tỷ như hiện nay, trước đó, cụ thể vào ngày 10/12/2004, biên bản của Hội đồng định giá thể hiện giá thuê đất được xác định tại thời điểm này là 148.154.899 đồng/2ha/năm. Ngoài ra, văn bản số 143 (ngày 25/3/2004) mà HCCI “báo giá” với GIS cũng tính số tiền cho suất đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ là 964.000 đồng/m2.

“Họ như vậy là quá bất nhất, ngay từ đầu nếu họ đưa ra con số 4,2 triệu đồng/m2 như hiện nay thì chắc chắn là chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định đầu tư. Đầu tư giáo dục thường người ta thuê cơ sở vật chất, để tiết giảm tối đa chi phí ban đầu. Nhưng chúng tôi, với tâm huyết của mình, đã sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây trường, chăm chút đến từng chiếc ghế cho các cháu, vậy mà họ bội bạc. Chúng tôi thất vọng hoàn toàn”, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch HĐQT GIS bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo khoản 3, điều 2, Quyết định 8282 ngày 20/12/2005 của UBND Tp. Hà Nội (cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư giáo dục Toàn Cầu - chủ đầu tư GIS), thì doanh nghiệp này chỉ phải trả chi phí theo suất đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đất cho ngân sách và chủ đầu tư Khu đô thị Yên Hoà là HCCI khi dự án có “quyết toán đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa kết thúc nên việc chi trả suất đầu tư như trên là không đúng với tinh thần của văn bản 8282.

Trong một diễn biến mới nhất, để có cơ sở “đốc thúc” nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, ngày 1/3/2013, UBND Tp. Hà Nội tiếp tục ra văn bản số 1926, với nội dung “điều chỉnh khoản 3, điều 2 Quyết định 8282”.

Với văn bản 1926, quyết định pháp lý cơ sở 8282 để nhà đầu tư chấp nhận rót tiền vào dự án chính thức bị vô hiệu hoá. Theo đó, GIS phải xoay xở để kiếm tiền trả cho ngân sách, trả cho HCCI, mặc cho dự án Khu đô thị mới Yên Hoà có được quyết toán hay không, và dự án có kéo dài hàng chục năm, thì vẫn thế.

“Rủi ro chính sách” – thuật ngữ mà trước đây với GIS tưởng như xa xôi, thì nay đang chính thức giáng “đòn chí tử” đối với chính nhà trường. Trả lời Pháp luật Việt Nam, đại diện GIS nói sẽ đeo đuổi các thủ tục pháp lý đến cùng để yêu cầu lãnh đạo Tp. Hà Nội “huỷ bỏ quyết định 1926 vừa mới ban hành”.

Việt Hưng

Đọc thêm