Theo cáo trạng, Trung tâm Bồi dưỡng và Phát triển nguồn nhân lực (viết tắt là TDC, thuộc Trường ĐH Hòa Bình) được thành lập năm 2009. TDC có nhiệm vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho sinh viên và được quyền cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ các chương trình đào tạo trong phạm vi hoạt động của trung tâm.
Năm 2011, Trường ĐH Hòa Bình bổ nhiệm Tiến làm Giám đốc TDC và cho phép di dời trụ sở vào TP.HCM để hoạt động. Tuy nhiên, Tiến không xin giấy phép Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. HCM để kiểm tra và cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho sinh viên.
Đồng thời sau đó Trung tâm TDC lại xuất hiện thêm nhiều sai phạm trong quảng cáo, không được phép đóng và hoạt động tại địa điểm mới ở TP.HCM nên tháng 3/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hòa Bình ra quyết định đình chỉ hoạt động TDC cho đến khi TDC xin được giấy phép trú đóng tại địa điểm mới. Tuy nhiên đến tháng 3/2015, TDC vẫn không xin được giấy phép nên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hòa Bình ra quyết định giải thể TDC.
Sau đó, qua tìm hiểu trên mạng, Hoàng gặp Tiến bàn bạc và thống nhất Hoàng lấy danh nghĩa chủ cơ sở tin học, ngoại ngữ Hoàng Thắng (cơ sở do Hoàng mở nhưng không xin phép Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang) để tổ chức thi kiểm tra rồi giao cho Tiến ký, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho học viên có nhu cầu.
Theo phân công, Tiến chịu trách nhiệm chính về đề kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên đạt sau kỳ kiểm tra. Hoàng phụ trách báo cấp xin phép chính quyền địa phương để tổ chức các kỳ kiểm tra, tìm học viên, thu tiền, lên danh sách rồi giao lại cho Tiến.
Tiến thỏa thuận với Hoàng bình quân mỗi chứng chỉ ngoại ngữ có giá là 350.000 đồng, tin học là 250.000 đồng. Các trung gian trả cho Hoàng trung bình giá mỗi chứng chỉ ngoại ngữ là 725.000 đồng, tin học là 500.000 đồng còn các trung gian lấy của học viên thêm bao nhiêu thì tùy.
Mặc dù không có giấy phép hoạt động nhưng Hoàng giới thiệu với các học viên là trung tâm hoạt động hợp pháp, có chức năng kiểm tra cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và các chứng chỉ đều là chứng chỉ thật có giá trị sử dụng. Tin tưởng nên hơn 500 học viên đã nộp hồ sơ đăng kí kiểm tra và trở thành nạn nhân của Tiến và Hoàng.
Hoàng tổ chức cho các học viên thi ngoại ngữ chỉ có phần viết, nhưng có kèm theo đáp án để học viên điền vào, không thi phần nghe và vấn đáp. Còn đối với chứng chỉ tin học, Tiến chỉ cho thi lý thuyết mà không thi thực hành. Học viên vắng thi thì Hoàng thuê người thi giùm.
Qua điều tra, từ tháng 3/2013 đến tháng 6/2014 Hoàng và Tiến vẫn tổ chức kiểm tra, cấp tổng cộng 2.652 chứng chỉ các loại trái pháp luật, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.