“Ốc mượn hồn”?
Bà Ngô Thị Diễm Thúy – nhân viên Thư viện Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên (tên thật là Ngô Thị Kim Trang, sinh ngày 21/3/1979), mặc dù chưa học lớp 9 nhưng năm 1997, bà Trang mượn Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở của em gái là Ngô Thị Diễm Thúy để đăng ký học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục Ngoại ngữ huyện Tuy Hòa trước đây; tiếp đến là học Trung cấp Thư viện tại Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa.
Chính vì vậy, từ năm 1997 bà Ngô Thị Kim Trang đã tự “phù phép” cho mình mang tên em ruột là Ngô Thị Diễm Thúy để làm nhân viên Thư viện tại Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung kể từ ngày 15/3/2003 theo diện hợp đồng lao động (HĐLĐ). Hơn một năm sau, bà Thúy được chuyển sang HĐLĐ dài hạn theo Quyết định 909/QĐ-CTUB ngày 31/8/2004 của UBND huyện Tuy Hòa. Đồng thời, đến giữa năm 2005 bà Thúy được “ưu ái” chuyển sang biên chế theo Quyết định số 858/QĐ-CTUB của Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa.
Tại thời điểm này có rất nhiều người biết rõ trò gian lận nói trên vì kẻ “mang tên” người khác lại chính là con dâu ông Nguyễn Ngọc Chấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuy Hòa nên không ai dám tố cáo vì sợ bị trù dập... Khi huyện Đông Hòa thành lập giữa năm 2005, ông Chấn lần lượt giữ các chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, đến cuối tháng 7/2011 ông Chấn bị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa.
Tuy nhiên, sau hơn 11 năm bà Thúy là viên chức dưới họ tên và tuổi của người em gái, thì đến tháng 1/2014 vụ gian lận này bị bại lộ khi người em ruột của Ngô Thị Kim Trang là Ngô Thị Diễm Thúy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa chuyển công tác về Trường THPT Lê Trung Kiên, huyện Đông Hòa. Lúc này cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa nhập dữ liệu hồ sơ lao động vào máy tính mới phát hiện có hai người (Ngô Thị Kim Trang và Ngô Thị Diễm Thúy) trùng cả họ và tên, quê quán, ngày, tháng, năm sinh và cả số chứng minh nhân dân.
Vì sao “được” tạm dừng xử lý kỷ luật?
Vụ gian lận nói trên của nữ nhân viên thư viện “đội lốt” người khác đã rõ, thế nhưng sau hơn một năm các cơ quan chức năng của huyện Đông Hòa vẫn dây dưa kéo dài, thiếu kiên quyết, thậm chí lúng túng trong việc xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, ngày 23/3/2015 ông Phạm Đình Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản số 1063/UBND-NC yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo xử lý nghiêm minh vụ việc này.
Ngày 11/5/2015, Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung có ban hành Quyết định xử lý kỷ luật viên chức Ngô Thị Diễm Thúy bằng hình thức cảnh cáo với lý do “Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp” theo Mục 3 Điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2014 của Chính phủ. Chính vì việc xử lý chưa đúng với các quy định của pháp luật, nên ngày 5/6/2015 ông Phạm Đình Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục ký Văn bản số 2355/UBND-NC khẳng định: “Kết quả xử lý kỷ luật đối với Ngô Thị Diễm Thúy chưa đảm bảo yêu cầu chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh tại Công văn số 1063/UBND-NC ngày 23/3/2015, hình thức kỷ luật chưa tương xứng với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 27/NĐ-CP ngày 06/4/2014 của Chính phủ. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo xử lý kỷ luật lại đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/6/2015”. Ngoài ra Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên còn “Yêu cầu Sở GD&ĐT xử lý theo quy định đối với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đã cấp cho bà Ngô Thị Diễm Thúy, trên cơ sở đó có văn bản đề nghị Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật – nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Khánh Hòa xử lý theo quy định đối với Bằng trung cấp thư viện đã cấp cho bà Ngô Thị Diễm Thúy năm 2003”.
Đang trong thời gian Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung tiến hành xử lý kỷ luật lại theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thì ngày 7/8/2015, Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa có văn bản yêu cầu Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung tạm dừng việc xử lý kỷ luật đối với bà Ngô Thị Diễm Thúy (giả). Việc “tạm dừng” xử lý kỷ luật đối với trường hợp nói trên khiến dư luận hết sức bất bình đối với vụ sử dụng họ tên, văn bằng chứng chỉ giả nói trên để lọt vào biên chế nhà nước hơn 10 năm qua đối với bà Ngô Thị Kim Trang.
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Phú Yên khẩn trương vào cuộc để xác minh, kiểm tra và xử lý việc bà Ngô Thị Kim Trang “mượn” và sử dụng chứng minh nhân dân của người em gái Ngô Thị Diễm Thúy để đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, kết hôn, giấy khai sinh cho con… trong suốt hơn chục năm qua.