Giai đoạn 2012-2020: Toàn diện nhưng thiếu định hướng!
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành cuối năm 2012 theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai cụ thể qua Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 ban hành năm 2014 theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Chiến lược 2012- 2020 có 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động, với sự phân định trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức chủ trì và phối hợp thực hiện.
Việc huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh mới chỉ tập trung chủ yếu vào nguồn lực nhà nước, ODA; các hoạt động thực hiện tăng trưởng xanh mới mang tính tự nguyện, thiếu quy định bắt buộc và chế tài trong giám sát…
“Nhìn chung việc thực hiện Chiến lược đã đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện. “Tăng trưởng xanh từ chủ trương chiến lược đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung đánh giá.
Theo Thứ trưởng, việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức. Một số mục tiêu chiến lược đã đạt được, mảng đầu tư xanh đã dần chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu đầu tư phát triển cả công và tư.
Tuy nhiên, một số mặt hạn chế được Bộ KH&ĐT chỉ ra là: Chiến lược thiếu định hướng và lộ trình khả thi cho các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và huy động nguồn lực do phương pháp luận chưa toàn diện; nhiều mục tiêu của Chiến lược hiện đang giao thoa và chưa định lượng được; việc huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh mới chỉ tập trung chủ yếu vào nguồn lực nhà nước và ODA; các hoạt động thực hiện tăng trưởng xanh mới chỉ mang tính tự nguyện, thiếu quy định bắt buộc và chế tài trong giám sát, đánh giá.
Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới cho thấy tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu với nhiều sáng kiến và cam kết quốc tế, như các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Những tiến bộ của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua làm xuất hiện những xu thế mới như việc tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất xanh và sản phẩm công nghệ cao, chính phủ số, đô thị thông minh,…
Do đó, Bộ KH&ĐT nhận định, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 là nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2012-2020 và cập nhật, phản ánh xu thế, bối cảnh trong nước và quốc tế mới.
Định hướng Chiến lược 2021- 2030
Chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã lưu ý một số nhóm nội dung chính cần thảo luận trong xây dựng chiến lược lần này.
Thứ nhất, về bổ sung một số khía cạnh mới trong Chiến lược, bên cạnh việc kế thừa có chọn lọc các quan điểm của Chiến lược giai đoạn 2012-2020, Tổ Biên tập đề xuất bổ sung các khía cạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số nội dung xã hội.
Thứ hai, về Chiến lược sử dụng phương pháp định lượng, kết hợp các mô hình kinh tế lượng, mô hình cân bằng tổng thể, với các mô hình ngành trong xây dựng các kịch bản tăng trưởng xanh cho tổng thể nền kinh tế và từng ngành ưu tiên, phân tích chi phí - lợi ích, và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược.
Thứ ba, đề xuất xây dựng giải pháp triển khai Chiến lược theo 2 nhóm giải pháp có tính xuyên suốt và giải pháp theo ngành ưu tiên để xác định rõ trọng tâm và tăng hiệu quả huy động nguồn lực trong việc triển khai Chiến lược. Việc lựa chọn ngành ưu tiên dựa trên các tiêu chí về đóng góp của ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỷ trọng phát thải khí nhà kính và đánh giá việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2012-2020.
Thứ tư, đề xuất bổ sung vào Chiến lược 2021-2030 các quy định, hướng dẫn cụ thể, có tính ràng buộc cao hơn trong triển khai thực hiện, biện pháp xử lý sau giám sát và quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong giám sát, đánh giá. Công tác giám sát, đánh giá được thực hiện căn cứ trên “Bộ chỉ tiêu thống kê” được ban hành kèm theo Chiến lược 2021-2030…