Cắt chế độ chính sách vì tin đồn?

Một thương binh bị cắt chế độ chính sách hơn 17 năm trời chỉ vì tin đồn bị thương do té ngã, trong khi đồng đội khẳng định ông bị thương khi đang làm nhiệm vụ, còn cơ quan chức năng thì có hiện tượng “để đấy”…

Một thương binh bị cắt chế độ chính sách hơn 17 năm trời chỉ vì tin đồn bị thương do té ngã, trong khi đồng đội khẳng định ông bị thương khi đang làm nhiệm vụ, còn cơ quan chức năng có hiện tượng “để đấy”…

Hại người bằng… tin đồn

Ông Nguyễn Văn Dựt (SN 1954, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ chi) nhập ngũ đầu năm 1976 với chức vụ binh nhất, thuộc Trung đội 1, Đại đội trinh sát E2 - Trung đoàn 2, Lực lượng Công an vũ trang (CAND, nay là Biên phòng). Ngày 30/3/1976, khi đi bắt xe gian tại đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), ông Dựt bị tai nạn chấn thương sọ não lúc vừa về đến đơn vị. Ngày 7/7/1976, Trung đoàn 2 ra quyết định cho ông Dựt được giải ngũ. Đến năm 1986, Cục Biên phòng, Quân khu 7 cấp Giấy Chứng nhận thương tích cho ông Dựt với thương tích 91%.

nhfh
Bị thương liệt nửa người, ông Dựt chỉ hoạt động được 1 tay và đang trình bày đơn khiếu nại.

Căn cứ Giấy Chứng nhận thương tích và hồ sơ, ông Dựt được hưởng chế độ chính sách (Thương binh 1/4), có sổ lãnh lương hưu và trợ cấp từ năm 1986 đến năm 1993. Bất ngờ, tháng 9/1993 Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Củ Chi có công văn với nội dung: “Không phải bị thương trong chiến đấu mà là do ông Dựt hút thuốc lào nên say té ngã gây chấn thương sọ não”.

Từ đó đến nay, ông Dựt bị cắt mọi chế độ trợ cấp trong khi gia đình rất nghèo. Ngay cả căn nhà tình nghĩa ông được cấp năm 1993 cũng bị bắt hoàn trả số tiền xây dựng. Thấy gia đình ông  Dựt quá nghèo, nên đoàn thanh tra của huyện Củ Chi chấp thuận cho ông Dựt được tiếp tục sử dụng căn nhà tình nghĩa này nhưng phải... trả góp!

17 năm qua ông Dựt liên tục gửi đơn cầu cứu đến các ban ngành từ huyện Củ Chi đến TP HCM. “Thế nhưng, oan ức của tôi vẫn không được xem xét. Tôi không biết hút thuốc mà nói tôi bị say thuốc lào nên ngã dẫn đến chấn thương. Còn căn nhà tình nghĩa, thấy tôi quá khổ, một số cán bộ xã khuyên làm đơn để được xét hoàn cảnh. Từ đó đến nay không thấy họ nói gì về căn nhà nữa”, ông Dựt bức xúc. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không một nhân chứng nào đứng ra nói ông Dựt hút thuốc lào say bị té ngã mà đó chỉ là tin đồn nhảm.

Giải quyết theo kiểu “chưa rõ”?

Đến xã Hòa Phú tìm hiểu sự việc, Chủ tịch UBND bà Nguyễn Thị Ánh cho biết: “Tôi mới nhận nhiệm vụ được mấy tháng nên sự việc tôi chưa rõ”. Còn ông Lê Văn Khá - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Củ Chi thì: “Tôi mới nhận chức nên chưa hiểu rõ sự việc...”.

Rồi ông Trương Đức Vương – Phó Ban đại diện chính sách của huyện cho biết ông cũng không biết sự việc ngày trước ra sao. Ông chỉ biết rằng năm 2007, trong một lần làm việc một số anh em đồng đội cũ của ông Dựt nói là không trực tiếp chứng kiến sự việc ông Dựt bị thương. Tuy nhiên, những người mà ông Vương nói ra không phải là người đi công tác cùng ông Dựt.

Bà Cao Thị Gái – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Củ Chi xác nhận, trường hợp của ông Dựt rất đáng thương, gia đình thuộc diện khó khăn: “Đáng lý ra, việc giải quyết cũng không thuộc thẩm quyền của chúng tôi nữa, nhưng tôi vẫn muốn tìm ra lý do chính đáng để nếu ông Dựt không phải là người được hưởng chính sách thì tôi cũng thấy an lòng. Bây giờ tôi muốn tìm người thủ trưởng trực tiếp và người thủ trưởng ấy xác nhận đúng trường hợp ông Dựt bị thương thì chúng tôi sẽ có cơ sở đề xuất xét cấp lại chế độ cho ông ấy”.

Ông Nguyễn Văn Xạt, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát E2 LLCAND (thủ trưởng cũ của ông Dựt) bức xúc: “Ngày 30/3/1976, tôi trực tiếp phân công Trung đội 1 của đồng chí Dựt đi bắt xe gian, khi xe vừa về tới chốt tại ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) thì tôi nhận được thông tin anh Dựt bị té xe bất tỉnh. Tôi và anh em trong đơn vị đưa anh Dựt vô Bệnh viện 175 cấp cứu. Mới đây, khi biết đồng chí Dựt bị cắt chế độ thương binh oan uổng, nhiều đồng đội rất bất bình, sẵn sàng làm chứng để bảo vệ quyền lợi cho đồng chí Dựt.”

Chúng tôi được biết, Sở LĐ TB&XH TP vừa mời hai thủ trưởng cũ của ông Dựt là ông Sấy và ông Xạt đến cung cấp thông tin về việc ông Dựt bị thương trong khi đi làm nhiệm vụ để có cơ sở xem xét cấp lại chế độ cho ông Dựt.

“Sau khi ký quyết định cắt chế độ trợ cấp thương binh của ông Dựt, tôi liên tục nhận được đơn khiếu nại của ông ấy. Năm 2008, trong một lần công tác, tôi ghé nhà ông Dựt và biết hoàn cảnh thật sự của ông. Chính quyền nên phục hồi lại chế độ thương binh cho ông Dựt. Còn không, ông Dựt cũng đủ điều kiện để được trợ cấp của cán bộ quốc phòng vì bị tai nạn khi đang đi làm nhiệm vụ” - Ông Huỳnh Văn Cang - Nguyên Giám đốc Sở LĐ TB&XH TPHCM nói.

Hồng Cơ

Đọc thêm