"Cát Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng không bị tráo"

“Các loại vật liệu tập kết vào công trường được tập kết riêng biệt và được kiểm tra thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm hiện trường dưới sự giám sát của tư vấn giám sát, và các kết quả đều đáp ứng quy định kỹ thuật trước khi vào thi công chứ không thể có chuyện tráo cát”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng khẳng định.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin về nghi vấn cát được sử dụng cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn Km 101+900 – Km 102+ 920 bị đánh tráo để “ăn” chênh lệch giá. PLVN đã vào cuộc tìm hiểu.

Không chỉ nguyên vật liệu để làm đường mà các hạng mục làm cầu khác của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng luôn được kiểm soát chặt chẽ khi đưa vào thi công
Không chỉ nguyên vật liệu để làm đường mà các hạng mục làm cầu khác của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng luôn được kiểm soát chặt chẽ khi đưa vào thi công.

Nguồn gốc rõ ràng

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia được giao cho Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư. Sau khi vượt qua nhiều khó khăn, dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ với sự tham gia của phần lớn nhà thầu nước ngoài.

Tuy nhiên, thời gian gần đây dư luận rộ lên thông tin cát dùng để thi công bị đánh tráo tại đoạn lý trình đoạn Km 101+900 – Km 102+ 920 do nhà thầu là Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Namkwang (Hàn Quốc) thi công.

Theo Chủ đầu tư, dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng có chiều khoảng dài 105,5 km, chạy qua địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với 10 gói thầu. Riêng gói thầu số EX- 10 do Namkwang thi công có chiều dài gần 10km, với tổng giá trị hợp đồng là 1800 tỷ đồng…

Qua tìm hiểu, tại gói thầu này nhà thầu đang triển khai đồng loạt các hạng mục về đắp nền, thi công cát thoát nước (CSB) và thi công cọc cát (SD). Đồng thời, cát phục vụ cho công trình tại gói thầu này là do nhà thầu NamKwang tự cung cấp và thi công dưới sự giám sát của tư vấn hiện trường theo tiểu chuẩn kỹ thuật đã ký kết giữa VIDIFI và Namkwang.

Thông tin cát bị đánh tráo đã gây sốc dư luận, bởi ngoài việc tiêu cực về chênh lệch giá cả thì độ an toàn công trình cũng SẼ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Liên quan đến thông tin nhà thầu sử dụng “cát Hà Bắc”- loại cát đen hút lên từ các sông gần biển, cát nhiễm chua, nhiều tạp chất – để thi công... làm giảm tuổi thọ công trình được bán với giá rẻ mạt để thi công gói thầu, ông Nguyễn Đức Công, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng cho biết: Việc thiết kế, chọn và cung cấp nguyên vật liệu  cũng như thi công tuyến đường này là vô cùng chặt chẽ; được kiểm tra thường xuyên bởi tư vấn giám sát và chủ đầu tư. 

Với hạng mục thi công đắp nền đường, nguồn vật liệu được sử dụng tại mỏ cát đảo Nam Đình Vũ, phường Tràng Cát, quận Hải An ( TP. Hải Phòng); Mỏ cát tại xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều và Mỏ cát tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Còn đối với hạng mục thi công Đệm cát thoát nước và cọc cát đầm chặt và giếng cát, đơn vị thi công sử dụng nguồn vật liệu tại tỉnh Quảng Ninh như Mỏ cát xã Cộng Hòa, Cảm Phả; mỏ cát tại xã Hưng Đạo, Đông Triều; mỏ cát tại Trương Lữa, Yên Hưng và mỏ cát tại Vân Đồn.

“Tất cả các loại cát nhà thầu đang sử dụng cho gói thầu được Ban Quản lý dự án chấp thuận trên cơ sở đề xuất của tư vấn giám sát. Với các nguồn vật liệu đã được tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án chấp thuận, không có nguồn vật liệu nào được khai thác từ Hà Bắc cả”, ông Công nói.  

Không thể có chuyện đánh tráo cát

“Các loại vật liệu tập kết vào công trường được tập kết riêng biệt và được kiểm tra thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm hiện trường dưới sự giám sát của tư vấn giám sát, và các kết quả đều đáp ứng quy định kỹ thuật trước khi vào thi công chứ không thể có chuyện tráo cát”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng khẳng định.

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, ngay sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nghi ngờ có chuyện đánh tráo cát, Ban QLDA cùng Tư vấn giám sát hiện trường, Nhà thầu đã lập tức lấy mẫu cát CSB tại lý trình Km 102+640- Km 102+ 920 nhằm xác minh lại. Kết quả thí nghiệm tần suất tiếp tục cho thấy vật liệu đảm bảo chất lượng theo quy định kỹ thuật của gói thầu.

Về việc này, ông Anthony William Johnston, Giám đốc dự án thuộc Công ty Meinhardt, đơn vị đảm nhiệm vai trò tư vấn giám sát thi công xây dựng dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nói với PLVN rằng quy trình kiểm soát vật liệu trên công trường là rất chặt chẽ. Cụ thể, các nguồn vật liệu sau khi đã được chấp thuận sẽ được tập kết về công trường và được Nhà thầu và tư vấn giám sát kiểm tra chất lượng theo đúng tần suất quy định của gói thầu. Theo quy định, cứ 5000m3 vật liệu sẽ được lấy mẫu làm các chỉ tiêu thí nghiệm. Nếu các nguyên vật liệu trên thỏa mãn yêu cầu thì tư vấn giám sát mới chấp thuận cho sử dụng và nghiệm thu hạng mục để thực hiện các bước tiếp theo.

Ông này cũng cho biết, trong quá trình thi công nếu có nghi ngờ về chất lượng vật liệu tại hiện trường, tư vấn giám sát sẽ lập biên bản hiện trường và yêu cầu nhà thầu kiểm tra đánh giá chất lượng. Nếu vật liệu được tập kết trên hiện trường không đảm bảo chất lượng thì nhà thầu có trách nhiệm di dời khỏi công trường, thay thế bằng vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn và nhà thầu phải chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan.

“Tất cả kết quả thí nghiệm của các mẫu vật liệu trên do Phòng thí nghiệm hiện trường thực hiện, dưới sự giám sát của Tư vấn giám sát đều đạt yêu cầu kỹ thuật của gói thầu EX-10”- đại diện tư vấn giám sát khẳng định. 

“Chúng tôi khẳng định không có việc Nhà thầu mua cát với giá thấp để nhận thanh toán cho cát với giá cao. Gói thầu EX-10 là gói thầu mà nhà thầu tự cung cấp vật liệu và chủ đầu tư chỉ thanh toán theo giá thầu.

Việc đánh tráo cát là không thể thực hiện được do tất cả các loại vật liệu đưa vào thi công đều được kiểm tra và thí nghiệm theo các quy trình nghiêm ngặt với sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát và chủ đầu tư”, ông Jeong Weon In, Giám đốc dự án, Đại diện Công ty Namkwang, nói.

Khánh Duy

Đọc thêm