Cắt ghép, lan truyền ảnh trẻ trên mạng: Vừa phạm luật, vừa thiếu đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc cắt ghép, lan truyền ảnh các cá nhân, đặc biệt là trẻ em trên mạng xã hội với mục đích “câu view” không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thiếu đạo đức.

Khi trẻ trở thành nạn nhân

Mới đây, liên quan đến việc bé Hạo Nam, 10 tuổi bị rơi xuống đường ống sâu 35m gây xót xa, thương cảm trong xã hội, đã có những đối tượng lợi dụng sự việc để đưa những bài viết giật gân, “câu view”, trong đó lấy ảnh của một bé trai khác để cắt ghép, minh họa là “bé Hạo Nam”.

Cậu bé bị lấy ảnh ghép vào nhiều bài viết trên mạng về vụ tai nạn trên thực chất là bé H.N., sinh sống ở TP HCM, từng được cộng đồng mạng biết đến với hoạt động thiện nguyện ý nghĩa đợt COVID-19 bùng phát. Việc các trang mạng liên tục đăng tải, chia sẻ các bài viết thương cảm, “câu view” sử dụng ảnh của bé H.N. lan tràn làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cậu bé. Mới đây, bé H.N đã phải lên tiếng, “mong cô chú đừng đăng ảnh con lên nữa”.

Ngoài bé H.N, nhiều trẻ cũng từng trở thành nạn nhân của việc cắt ghép ảnh vô tình hay cố ý. Có những trẻ bị lấy ảnh vô tội vạ vào các thông tin “câu view”. Có trẻ bị lấy hình ảnh, video để chế thành các bức ảnh, clip hài hước, lan truyền trên mạng, trở thành “trò cười” vô thưởng vô phạt.

Như trường hợp của bé gái trong clip “sợ trò chuyện với người lạ” mấy năm trước. Xuất phát từ sự việc một người phụ nữ chạy xe máy theo một bé gái đạp xe đạp trên đường, kêu gọi í ới, bé gái vì cảnh giác với người lạ nên hét lên xua đuổi. Đoạn video trên đã nhanh chóng lan truyền trên mạng và trở thành “chuyện cười” của cư dân mạng. Cho đến nay, khi đã vài năm trôi qua, đoạn cắt biểu cảm bé gái trong clip vẫn thường xuyên được đăng tải trong các bình luận trên mạng để nhằm gây cười.

Tương tự, một số bé có hoàn cảnh khó khăn, bán vé số... vẫn bị một số trang mạng sử dụng ảnh trong các bài viết “câu view”; hoặc có trường hợp các tổ chức từ thiện lừa đảo còn dùng ảnh các bé để đăng tải kêu gọi mạnh thường quân đóng góp.

Làm gì để bảo vệ trẻ?

Dù với mục đích “cho vui”, gây cười, vô thưởng vô phạt hay lợi dụng hình ảnh trẻ để trục lợi, thì hành vi cắt ghép ảnh của trẻ như trên đều đáng chê trách. Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư, sự an toàn trong đời sống của các em nhỏ, gây ra nhiều phiền toái cho gia đình các em. Đặc biệt, trong những sự việc thương tâm như câu chuyện em Hạo Nam thời gian qua, việc mượn hình ảnh em nhỏ khác để “câu view”, giật tít còn là hành vi tàn nhẫn.

Chị Nguyễn Tuyết N., ngụ Bình Thạnh, TP HCM, mẹ của bé trai 3 tuổi trong bức ảnh biểu cảm nhăn mặt dễ thương được chia sẻ rộng rãi trên mạng chia sẻ: “Dẫu mọi người chia sẻ ảnh con tôi không với mục đích xấu, chỉ đi kèm với các bình luận nhằm mục đích tạo thêm hiệu ứng gây cười, nhưng quả thật gia đình tôi không hề thoải mái khi hình ảnh con mình bị những người xa lạ chia sẻ hàng loạt, cười cợt. Chưa kể cạnh những lời nhận xét vui vẻ, tử tế, cũng có không ít câu đùa khiếm nhã, thậm chí văng tục chửi thề đi kèm hình ảnh con mình. Nhưng hiện hình ảnh cháu đã lan truyền quá mạnh, được coi như một bức ảnh “sử dụng chung”, có muốn ngăn chặn cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu”.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người cắt ghép ảnh người khác đăng lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc dựng video, cắt ghép sử dụng ảnh đó có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn quy định, các hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, hành vi này còn bị xử lý theo quy định của Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.

Quy định pháp luật rất rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý hành vi cắt ghép ảnh, tự ý sử dụng ảnh người khác chưa được thực hiện quyết liệt, do tính chất rộng lớn, khó quản lý của mạng xã hội. Nhiều gia đình bức xúc vì hình ảnh con mình bị lan truyền khắp nơi, sử dụng với nhiều mục đích nhưng không biết làm thế nào để xử lý rốt ráo.

Các chuyên gia khuyên rằng, để bảo vệ con trẻ, trước hết các bậc cha mẹ nên cân nhắc, hạn chế đưa hình ảnh con lên mạng vô tội vạ, nhất là những bức ảnh có nhiều yếu tố “khác thường”. Khi phát hiện hình ảnh con mình xuất hiện trên mạng trái phép, cần liên hệ ngay cá nhân, tổ chức đăng tải yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh, hoặc sử dụng dịch vụ lập vi bằng, nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, không thỏa hiệp với những hành vi sai trái nói trên.

Đọc thêm