Ông góa vợ khi mới 42 tuổi. 9 người con, đứa lớn mới 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 2 là những gì mà người phụ nữ đầu tiên trong đời để lại cho ông. Ông gồng mình lên, chuyển nghề, thuê lại chính công việc của các xã viên trong hợp tác xã, làm bất kể ngày đêm để đảm bảo đàn con của ông được cơm ăn, áo mặc đầy đủ, đi học thành người.
Học cùng các con mỗi ngày...
Nhắc lại những ngày bất hạnh, phải một mình cáng đáng 9 người con cùng với nỗi đau mất vợ, ông Sử vẫn nhớ từng lời mình dặn dò các con, các cháu ở cùng nhà. Thương xót đứa con thứ 9, mới lên 2 đã mất mẹ, ông đã nói chuyện với 8 người con còn lại rằng, em nhỏ nhất, thiệt thòi nhất vì không có mẹ chăm sóc nên các anh phải yêu thương em thay cả phần của mẹ nữa.
Những người con của ông đều nghe lời, yêu thương, chăm sóc, bảo bọc em. Đứa con thứ 9 này chính là Đỗ Anh Tú, Tổng Giám đốc (TGĐ) Cty Diana.
Ông bảo, ông không thể quên được cảm xúc của mình khi đứa con trai cả Đỗ Thái Tùng (hiện là đại tá quân đội, đã về hưu) đề đạt nguyện vọng bỏ học đi làm để giúp bố nuôi các em. Ông bảo, trái tim ông nghẹn lại vì thương con, thương mình.
Nhưng ông vẫn bình tĩnh khen ngợi rồi khuyên bảo con, nhắc nhở con rằng tuổi của con đang là tuổi cần phải học hành. “Con thương bố thì con phải học thật giỏi, làm gương cho các em”. Đứa con cả khi ấy đã khóc vì thương bố và hạ quyết tâm giúp bố và học thật tốt để cho các em học theo.
Vợ chồng ông bà Đỗ Thế Sử - Nguyễn Kim Phương |
Khi vợ ông mất, ông phải tự xoay sở để học cách làm bố, làm mẹ để quản lý cả “một dãy con”. Ông phân công từng người con làm việc nhà, chăm sóc em. Con trai của ông, 6 tuổi đã biết nấu cơm, đã tự giữ tem phiếu để xếp hàng nhận thực phẩm.
Ông kể lại: “Tôi yêu cầu các con phải học giỏi, và quy định, nếu đứa nào không được học sinh giỏi thì không đi họp phụ huynh vì “bố thấy xấu hổ”.
Nhưng không phải ông chỉ đưa ra mệnh lệnh và yêu cầu các con phải tuân theo. Ông quan tâm chuyện học cho con bằng cách, mỗi ngày đi học về, khi các con làm việc nhà thì ông ngồi xem sách vở của từng đứa một.
Thấy có bài mới, ông hỏi xem các con có hiểu bài không, có chỗ nào cần phải giảng giải lại không. 40 tuổi ông vẫn thi vào Đại học (ĐH) Bách Khoa để học cùng con, hướng các con chuẩn bị cho thi đại học.
Khi người con thứ 9, Đỗ Anh Tú (hiện là TGĐ Diana, Phó Chủ tịch Tienphong Bank) làm luận án tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa với đề tài “nghiên cứu cách tiết kiệm than”, ông đã lập một hội đồng chấm trước gồm các 4 anh trai lớn của gia đình, đều là những người đã tốt nghiệp ĐH loại ưu.
Anh nào cũng chấm cho Tú điểm cao, thấp nhất là 8 điểm, riêng ông quyết định cho 2 điểm. Ông bảo, đứa nào cũng ngơ ngác vì không hiểu tại sao bố cho điểm thấp thế. Lúc ấy ông mới nói cho các con biết, tất cả đều đã đi lạc đề.
Với cách quan tâm đến chuyện học hành của ông, các con ông đều học giỏi, được gửi đi học nước ngoài. Các con đều ngoan ngoãn, học giỏi nhưng ông vẫn nghiêm khắc với các con. Ông kể, đến tận năm người con thứ 9 thi đỗ đại học, được chọn đi Tiệp Khắc nhưng vì ông phát hiện ra thiếu sót trong quá trình làm bài thi, ông đã phạt con bằng cách cấm con xem phim (trong khi nó mê phim cực độ - ông cho biết) cho đến khi chính thức lên đường.
Ông tâm sự: “Bất kỳ ai cũng yêu thương con mình với mức độ cao nhất nhưng sử dụng sự yêu thương ấy như thế nào, hướng dẫn con mình ra làm sao là cách của mỗi người”.
Và với ông, chính nhờ sử dụng “cách yêu thương đúng, nghiêm khắc”, đã sản sinh ra một lứa những doanh nhân, những người con nổi tiếng như Đỗ Tất Cường, Giám đốc điều hành BV Vinmec; Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tienphong Bank; Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; Đỗ Anh Tuấn, Giảng viên Trường ĐH Bách Khoa, Giám đốc Trung tâm lò hơi; Đỗ Khôi Nguyên, Luật sư của một Cty Luật của Mỹ, làm việc tại Singapore...
Đại gia đình đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử. |
Gieo lòng nhân vào mỗi người con...
Thời chiến tranh, các con ông phải phân tán đi 3-4 ngả theo các diện khác nhau, đứa đi học, đứa đi theo chị gái, ông phải chia các ngày chủ nhật để lên thăm các con. “Tôi vừa đi vừa lo, nhỡ bom rơi, đạn lạc, tôi chết bất thình lình thì những đứa con của tôi sẽ ra sao. Thế nên tôi nghĩ mình phải lo trước cho các con bằng cách gửi tiền cho người cháu dâu để lo cho các con nếu nhỡ mình có mệnh hệ gì”.
Ông luôn nhắc các con phải thương người, phải lo lắng cho người thân, cho gia đình, dù bất kể ở đâu. Khi người con thứ 11 sang Mỹ học (ông Sử tục huyền với bà Nguyễn Kim Phương sau 15 năm góa vợ và sinh thêm được 2 người con nữa), năm ấy Khôi Nguyên mới 17 tuổi.
Ngoài mỗi cuộc điện thoại hàng tuần để hỏi thăm, dặn dò, nhắc nhở con, mỗi tuần ông viết thêm một lá thư gửi cho con theo đường bưu điện. Vợ ông, bà Nguyễn Kim Phương vui vẻ kể lại, năm ấy, 1997, mỗi tháng nhà bà “đốt hết” 5,2 triệu tiền điện thoại. Cả nhà đều sốt ruột nhưng không ai dám ngăn cản vì biết ông vẫn luôn lo lắng cho con cái như thế.
Ông luôn kể lại câu chuyện mà bố ông đã dạy con “phải biết yêu thương người khác, không phân biệt mạnh yếu, giàu nghèo” cho các con mình. Và ông bà luôn làm gương cho con cháu.
Nhà ông bà giàu có nhưng luôn rộng cửa với những mảnh đời bất hạnh. Mỗi khi ông bà đi làm, ông bà đều dặn dò con cái ở nhà, nếu có người ăn xin nào qua, cứ múc cho mỗi người một bơ gạo. Và thùng gạo luôn được ông bà kê ngay cửa để các con tiện lấy.
Vợ chồng người con út, đứa con mà ông bà tự hào vì biết thương người từ bé |
Có một câu chuyện đến bây giờ ông bà vẫn nhớ về lòng nhân của các con mình. Bà Phương kể, có một bà già 80 tuổi vào xin cơm, chị gái của ông đuổi đi nhưng các con ông bà bảo bác cho bà cụ xuất ăn của mình...
Cứ thế, mỗi câu chuyện nhỏ ông kể lại cho các con mỗi dịp cha con hàn huyên chuyện trò đều là thông điệp ông gửi gắm lại cho con, cháu. Và ông luôn hạnh phúc, tự hào vì các con ông không chỉ giỏi giang, thành đạt mà luôn có lòng trắc ẩn, thương những người nghèo khổ...