Câu chuyện tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(PLVN) - Những ngày vừa qua, cả nước bước vào đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè, điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng cao. Trước việc giá điện tăng cao, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp tích cực triển khai những biện pháp nhằm tiết kiệm điện.
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Dù mới vào đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè nhưng tại các thành phố lớn liên tục thiết lập các kỷ lục tiêu thụ điện. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), một trong những địa phương có sản lượng điện tiêu thụ lớn cho thấy, sản lượng tiêu thụ ngày bình quân từ đầu tháng 5 đến nay khoảng là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh). Trong đó phần lớn là sản lượng điện sinh hoạt (chiếm trên 53% sản lượng điện của EVNHANOI).

Đây là những chỉ số cho thấy nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến vào mỗi mùa nắng nóng khiến mạng lưới điện phân phối luôn trong tình trạng quá tải, nhất là tại các khu đô thị lớn như Hà Nội nhu cầu điện luôn ở mức cao. Thông thường hệ thống điện quốc gia vẫn cơ bản đáp ứng đủ điện, nhưng khu vực miền Bắc lại tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 đến tháng 7, khi thời tiết được dự báo là nắng nóng cực đoan kéo dài, nền nhiệt trên 36 độ C trong một số giờ cao điểm.

Dự báo năm 2023 của Tổng công ty Điện lực (EVN) cho thấy hệ thống điện miền Bắc nói chung và hệ thống điện TP Hà Nội nói riêng vận hành rất căng thẳng trong cao điểm hè do phụ tải tăng cao đột biến. Đi kèm với đó còn là nỗi lo ngại khi các hồ thuỷ điện đã về mực nước , tất cả khiến nguy cơ thiếu điện hiện hữu hơn bao giờ hết.

Chiều 22/5, tại hội nghị tiết kiệm điện và phát động tiết kiệm điện trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài. Giờ đây lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện.

Riêng tại các hồ thuỷ điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém. Tính đến ngày 11/5, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Trong tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Trước tình trạng đáng lo ngại trên, cũng tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết đến ngày 21/5 đã có 27 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn sử dụng điện tiết kiệm. Tập đoàn này đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc áp dụng giải pháp để tiết kiệm điện tối thiểu là 10% so với cùng kỳ và 15% đối với các tháng cao điểm nắng nóng.

Tiết kiệm là thượng sách

Tiết kiệm điện được cho là biện pháp dễ thực hiện nhất ngay tại thời điểm này nhằm duy trì mạng lưới điện không quá tải trong suốt mùa hè. Đặc biệt tiết kiệm cần nhấn mạnh vào ý thức của người dân khi sử dụng điện sinh hoạt (chiếm phân nửa sản lượng điện của EVN). Một tin đáng mừng là cho đến nay việc tiết kiệm điện không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành thói quen của đại bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Một ngày Hà Nội nắng oi ả với nhiệt độ lên đến 40 độ trong nhà, còn ngoài trời xấp xỉ 50 độ nhưng gia đình chị T.Thanh (45 tuổi, quận Hoàng Mai) vẫn không bật điều hoà. Dù thời điểm lúc đó là giữa trưa nắng gắt, căn nhà mặt đất 5 tầng của gia đình hầm hập khí nóng đến nỗi cả nhà khó có thể đi vào giấc ngủ trưa. Nhưng các thành viên trong gia đình chị vẫn lựa chọn giải nhiệt cơ thể bằng cách xuống tầng thấp nằm đồng thời mở hết các cửa để thông gió kết hợp với bật quạt.

Nguy cơ thiếu điện trong mùa hè 2023. (Ảnh: thanhnien.vn)

Được biết đây là cách mà chị T.Thanh áp dụng vào những ngày hè nóng nhằm giảm hoá đơn tiền điện một cách tối đa. “Cứ vào mùa hè là hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt, tôi nhìn mà xót lắm. Nên tôi quán triệt cả nhà tiết kiệm là thượng sách, chỉ đến buổi tối các thành viên mới được bật điều hoà còn ban ngày nhà ít người thì cứ chỗ nào mát nhất thì nằm thôi. Với cách áp dụng này mà mỗi tháng tôi tiết kiệm được thêm 1 triệu tiền điện”, chị T.Thanh chia sẻ.

Thực tế, đây là hiện trạng chung của rất nhiều hộ gia đình trong thời gian gần đây, trước việc hoá đơn điện tăng cao một cách chóng mặt vào mùa hè, nhiều nhà đã lựa chọn cách sử dụng điện thông minh hay đơn giản hơn là chịu nóng một chút. Gia đình anh Đ.Long (33 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cho biết dù gia đình ở tầng 22 của một chung cư cao cấp với điều hoà âm trần tiết kiệm điện nhưng với nhu cầu sử dụng 24/7 thì một tháng tiền điện nhà anh cũng lên đến 4-5 triệu.

Để giảm bớt chi phí điện, anh Đ.Long đã áp dụng cách sau: “Nhà chung cư sử dụng điều hoà âm trần dù tiết kiệm điện hơn nhưng nhiều lúc cũng lãng phí khi nhà chỉ có một người nhưng điều hoà lại toả diện tích lớn. Suy ra lượng điện tiêu thụ khá tốn kém. Vì vậy nhà tôi quyết định mua thêm điều hoà cây di động để sử dụng khi cá nhân muốn dùng. Còn điều hoà âm trần sẽ chỉ được bật khi nhà đông đủ mà thôi. Ngoài ra với các thiết bị điện không dùng tôi đều rút phích cắm để vừa tiết kiệm mà vừa an toàn”.

Không chỉ có các hộ gia đình mà các doanh nghiệp cũng không thoát khỏi cảnh điêu đứng với hoá đơn tiền điện, lượng điện tiêu thụ trong mùa nắng nóng thường sẽ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi bình thường. Nếu như bình thường một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong toà nhà 5 tầng với khoảng 40 nhân viên, tiền điện trung bình tháng khoảng 100-120 triệu. Nhưng cứ vào mùa hè tiền điện có thể đội lên đến mức 150 triệu hoặc hơn.

Chính vì như vậy mà các doanh nghiệp đã và đang đưa ra các chính sách nhằm quán triệt mọi phòng ban, bộ phận và từng cá nhân đều phải đẩy mạnh những biện pháp giảm tiêu thụ điện đến mức tối thiểu. Anh H.Nam (25 tuổi, Hà Nội) cho biết từ đầu tháng 5 vừa qua công ty đã có thông báo từ ban giám đốc là không sử dụng điện lãng phí. Theo đó giám đốc yêu cầu các phòng ban tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên, khi rời khỏi phòng làm việc nhớ tắt các thiết bị điện, nhất là điều hoà để tiết kiệm điện, tránh lãng phí.

Nhìn chung, việc tiết kiệm điện tưởng chừng như đơn giản nhưng để mang lại hiệu quả thì không chỉ cần tiết giảm. Bên cạnh những cách tiết kiệm trên, nhiều người đã quên mất những những vật dụng nhỏ nhưng gây lãng phí đáng kể. Đơn cử, nhiều thiết bị như bộ sạc điện thoại, máy tính, lò vi sóng, quạt máy... sử dụng nguồn điện ở chế độ chờ.

Chính vì thế, mặc dù đã có ý thức tắt những thiết bị này nhưng vẫn giữ phích cắm trong ổ điện, đồng nghĩa với việc năng lượng vẫn đang bị tiêu hao. Rõ nhất là thói quen khi không sử dụng tivi, nhiều người thường chỉ tắt bằng điều khiển từ xa. Tivi lúc đó vẫn ở chế độ chờ và vẫn tiêu thụ từ 0,3 - 0,5W. Nghe 0,3-0,5W tưởng chừng như rất nhỏ nhưng theo cách thống kê mức tiêu thụ điện năng của một chiếc tivi nếu không được tắt nguồn hẳn có thể tăng khoảng từ 400.000-600.000 đồng/năm.

Hay như nhiều người có thói quen bật điều hoà một lúc đến khi mát sẽ tắt đi, rồi nóng lại bật lại với suy nghĩ làm như vậy sẽ tiết kiệm điện nhưng ngược lại còn tiêu tốn lượng điện năng gấp khoảng 3 lần cho việc bật tắt liên tục. Vì vậy muốn tiết kiệm điện không phải cứ tiết giảm là đúng, thậm chí tiết giảm không đúng cách còn gây lãng phí điện hơn cả.

Từ lâu câu chuyện tiết kiệm điện mùa nắng nóng đã trở nên quen thuộc với hầu hết mọi gia đình. Trên thực tế việc tiết kiệm điện không chỉ nhằm giúp giảm bớt hoá đơn tiền điện tăng cao mà còn giải quyết được nguy cơ thiếu điện hiện hữu trong hè này.

Đọc thêm