Câu chuyện về người liên giới tính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa tổ chức sự kiện chia sẻ kết quả “Nghiên cứu khám phá về trải nghiệm y tế và xã hội của người liên giới tính tại Việt Nam”. Dù người liên giới tính không hiếm, nhưng trước nhiều định kiến, bệnh nhân ngại tìm kiếm sự trợ giúp y tế và tiết lộ tình trạng của họ…
Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Hải Sơn ( ngoài cùng bên phải) - Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia trong tổ tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng Luật Chuyển đổi Giới tính từ 2017 tới nay. (Ảnh: PV)
Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Hải Sơn ( ngoài cùng bên phải) - Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia trong tổ tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng Luật Chuyển đổi Giới tính từ 2017 tới nay. (Ảnh: PV)

Thiểu số của thiểu số

An, một người liên giới tính có mặt trong sự kiện chia sẻ về hành trình khám phá bản thân mình: An lớn lên như bao người bình thường khác. Khi bước vào tuổi dậy thì mới bắt đầu có những dấu hiệu khác lạ, khi đi thăm khám thì các bác sĩ không có nhiều thông tin về cái gọi là liên giới tính. Trước khi được chẩn đoán cuối cùng, An đã tự tìm kiếm thông tin câu trả lời nhưng không thấy thông tin về những người như mình trong nghiên cứu hay báo chí. Sau đó, An tìm thấy được một cộng đồng ở nước ngoài trên mạng mang những đặc trưng giống như mình, đồng hành cùng An trên hành trình tìm hiểu và khám phá về bản thân. Về sau, An phải bỏ rất nhiều thời gian để theo đuổi việc chẩn đoán ở bệnh viện.

Theo các chuyên gia, có từ 0.05% đến 1,7% dân số sinh ra với đặc điểm liên giới tính - con số ước tính cao tương đương với số người sinh ra với tóc đỏ. Từ lâu, các thuật ngữ như “lưỡng tính” hoặc “liên giới tính” đã được sử dụng để nhận dạng và miêu tả những cá nhân có đặc điểm giới tính không hoàn toàn khớp với các khái niệm nhị phân điển hình về cơ thể nam hoặc nữ truyền thống. Ở Việt Nam, với các chuẩn mực văn hóa, truyền thống và xã hội có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của họ. Các trường hợp liên giới tính vẫn còn thường được gọi bằng cụm từ “lưỡng giới giả nam/nữ” hoặc “không ra nam, không ra nữ”. Tuy những cụm từ này thường mang nhiều định kiến với người có đặc điểm giới tính không phổ biến, đây vẫn là tên gọi và cách nhận dạng người liên giới tính phổ biến nhất tại Việt Nam.

Ở góc độ y tế, liên giới tính không hiếm nhưng lại ít được báo cáo hay ghi nhận ở Việt Nam. Lỗ hổng này một phần là do bệnh nhân ngại tìm kiếm sự trợ giúp y tế và tiết lộ tình trạng của họ. Và một phần là do những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố nhỏ, nơi mức độ hiểu biết của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuyên sâu về các trường hợp rối loạn phát triển giới tính vẫn còn hạn chế.

Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Hải Sơn đến từ Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia trong tổ tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng Luật Chuyển đổi Giới tính từ 2017 tới nay cho biết, tình trạng thiếu thông tin này kéo dài từ khi còn đào tạo ở trường đại học, tới đào tạo chuyên khoa sau này. Chủ yếu do số lượng người liên giới tính tìm đến các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện lớn là không nhiều. Những người liên giới tính đến với anh sau khi đã đến rất nhiều bệnh viện khác. Ở đó họ thường không được cung cấp chẩn đoán cụ thể, phác đồ điều trị, nhìn chung có nhiều khó khăn trong việc các bạn tìm kiếm thông tin và địa chỉ uy tín.

Và trong môi trường mà vấn đề giới tính và sự khác biệt vẫn còn nhiều rào cản và hiểu lầm, người liên giới tính thường xuyên phải đối mặt với cảm giác cô lập, không được thấu hiểu và chấp nhận. Tất cả những người liên giới tính tham gia nghiên cứu đều đề cập đến những cảm xúc bối rối, hoang mang, lo lắng và căng thẳng khi phát hiện ra việc mình có các đặc điểm hoặc hội chứng phát triển giới tính không phổ biến. Ngoài ra, với các mối quan hệ gia đình và xã hội, họ cũng chia sẻ rất nhiều ngần ngại và sự cô đơn khi không thể tiết lộ với ai về bản thân mình. Một số người tham gia nghiên cứu chia sẻ rằng họ cảm thấy không thể tiến tới mối quan hệ yêu đương do lo sợ về việc không thể sinh con…

Một phát hiện quan trọng nữa trong nghiên cứu này chính là nhu cầu có một cộng đồng để sẻ chia của người liên giới tính để học hỏi và tham khảo trải nghiệm của những người đã thực hiện phẫu thuật xác định lại giới, hoặc các phẫu thuật có liên quan đến hội chứng của mình để có thể đưa ra các quyết định y tế phù hợp.

Đã đến lúc cần thay đổi?

Thạc sỹ Trần Ngọc Linh - Viện iSEE công bố kết quả nghiên cứu về Người liên giới tính. (Ảnh: PV)

Thạc sỹ Trần Ngọc Linh - Viện iSEE công bố kết quả nghiên cứu về Người liên giới tính. (Ảnh: PV)

Hiện nay, cách tiếp cận phổ biến với các ca trẻ em có đặc điểm giới tính ngoài phổ nhị phân nam nữ là vẫn thực hiện phẫu thuật sớm. Có nhiều lý do được đưa ra, ví dụ như “tránh căng thẳng tâm lý” hoặc “sinh hoạt bình thường”. Tuy nhiên các chuyên gia tham gia nghiên cứu cũng cân nhắc việc thực hiện phẫu thuật khi không cần thiết có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe sau khi trưởng thành, đồng thời yêu cầu phải có sự theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro. Vậy nên nếu không đặc biệt cần thiết, hoàn toàn có thể chờ đến khi đứa trẻ có đủ nhận thức và quyền để quyết định để thực hiện can thiệp xác định giới tính.

Với kinh nghiệm làm việc với hai nhóm liên giới tính là nhóm còn nhỏ và nhóm đã trưởng thành, bác sĩ Ngô Hải Sơn cho biết, với nhóm các bạn còn nhỏ, quá trình tư vấn đặt ra nhiều mối quan tâm liên quan tới đạo đức, khi có khả năng đứa trẻ sau này lớn lên có cảm thấy khó chịu với việc bố mẹ quyết định về cơ thể mình.

Bác sĩ Sơn chia sẻ thêm: “Mỗi năm ước tính có khoảng 2500 trẻ liên giới tính, và trải dài khắp cả nước, nên các mối quan tâm của các bác sĩ với chủ đề này là rất ít, nhiều bệnh viện lớn vài năm mới gặp một ca”. Việc thiếu hụt sự quan tâm, thông tin, và cơ sở vật chất khiến cho quá trình chẩn đoán và đưa ra phác đồ thăm khám, điều trị cho người liên giới tính thường mất rất nhiều thời gian và chi phí. Có thể kéo dài nhiều năm và gây ra những áp lực, tổn thương về thể chất và tinh thần không đáng có. Hơn thế, các trường hợp chẩn đoán sai lệch hoặc do thiếu thông tin cũng có thể sẽ gây ra những hệ quả lâu dài.

Đối với nhóm lớn hơn, bác sĩ cũng tư vấn và đưa ra khuyến nghị, ví dụ về việc dùng hoóc môn. Nhưng chỉ là tư vấn chứ không bắt buộc, và tư vấn đó phải dựa trên bằng chứng khoa học, phải tìm cách giảm thiểu khả năng gây ra sự nuối tiếc.

Là người trong cuộc, An chia sẻ thêm: Sau khi đã có chẩn đoán cụ thể, bác sĩ có đưa ra lời khuyên là thực hiện cuộc phẫu thuật. Lúc đó An rất băn khoăn không biết có thực hiện hay không, vì bác sĩ vốn dĩ là người “biết mình nên làm gì”. Khi kết nối với nhóm những người mang đặc trưng cơ thể giống mình, An thấy nhiều người liên giới tính đã lớn tuổi rồi nhưng vẫn sống khỏe mặc dù không tiến hành phẫu thuật, sau đó An đã đưa ra quyết định là không phẫu thuật. “ Đối với em vai trò của cộng đồng ở thời điểm đó cực kỳ quan trọng, trong việc đồng hành kể cả cảm xúc lẫn thông tin. Khi đó nếu không có cộng đồng ở đó thì bây giờ rất là khác rồi, thực hiện phẫu thuật cơ quan sinh dục bên trong thì ảnh hưởng về lâu về dài”…

Câu chuyện của An là một ví dụ về sự cần thiết và quan trọng của việc hỗ trợ tinh thần và tìm kiếm sự thấu cảm của người liên giới tính ở Việt Nam. Bác sỹ Sơn cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi nói về quá trình kết nối của mình với các bạn là người liên giới tính: “Bản thân mình cũng tự tạo một nhóm những bạn liên giới tính tới tham vấn mình. Mình có thể hỗ trợ các bạn về mặt y tế nhưng về mặt đời sống thì để các bạn hỗ trợ giúp đỡ nhau thì sẽ tốt hơn”…

Theo bác sỹ Sơn, do thiếu thông tin kéo dài từ khi còn đào tạo ở trường đại học, tới đào tạo chuyên khoa sau này. Các quyển sách dày đặc chữ với hơn 40 đặc điểm giới tính không điển hình vô cùng phức tạp, khiến cho việc có các thuật ngữ chuẩn xác trở nên khó khăn hơn. Khái niệm “người liên giới tính” vẫn còn khá mới, và việc bị chi phối của tư tưởng nhị nguyên vẫn còn nặng, được thể hiện qua các thuật ngữ vẫn thường được dùng phổ biến ở các cơ sở y tế như “rối loạn phát triển giới tính” hay “nam giới giả nữ, nữ giới giả nam”…

Do đó, một trong những nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội về người liên giới tính là vấn đề giáo dục giới tính. Khi mà các bài giảng giáo dục giới tính trong nhà trường còn sơ khai, chưa đưa ra các thông tin và sự hiểu thấu về người liên giới tính. Học sinh sẽ thường tự tìm hiểu nhiều hơn là được dạy trong các bài giảng ở trường. Theo bác sĩ Sơn, cần có những buổi tập huấn, hoặc các tài liệu cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng bài giảng, cho những bên liên quan.

Bởi thế, hệ thống y tế, cần có đầy đủ các thông tin và hiểu biết đúng và sâu rộng về người liên giới tính sẽ có tác động trực tiếp tới việc tư vấn và hỗ trợ thăm khám, điều trị cho những người liên giới tính có nhu cầu. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cũng chia sẻ về khó khăn trong việc tiếp cận tới nhận thức của các nhân viên y tế: “Mình nghĩ cách dễ dàng hơn là mình nâng cao nhận thức của cộng đồng trước, thúc đẩy sự hiện diện và để mọi người thấy người liên giới tính chỉ là một điều bình thường thôi. Khi cộng đồng có nhận thức rõ ràng về người liên giới tính, thì bản thân các y bác sĩ cũng nâng cao nhận thức để thích ứng với sự thay đổi của cộng đồng”.

Bác sĩ Sơn cũng luôn ấp ủ dự định về một phòng khám riêng, thân thiện và phi lợi nhuận, cho những bạn liên giới tính có thể tới thăm khám.

It’s T Time - Tổ chức cộng đồng hoạt động vì quyền và lợi ích của người chuyển giới, đa dạng giới, Quốc Anh chia sẻ về những nỗ lực đồng hành của It’s T Time trong việc hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những bạn là người liên giới tính chuyển giới. It’s T Time mong muốn có sự tham gia của đại diện nhóm người liên giới tính trong các những cuộc thảo luận về việc xây dựng những dự thảo luật, khung pháp lý trong thời gian tương lai. Đồng thời có thể hỗ trợ kết nối mọi người tới mạng lưới tham vấn của các chuyên gia quốc tế về liên giới tính hay tới mạng lưới các y bác sĩ ở Việt Nam thân thiện và cởi mở với các vấn đề của cộng đồng đã từng làm việc cùng với It’s T Time.

Thạc sỹ Trần Ngọc Linh - Viện iSEE mong rằng, dự án nghiên cứu này sẽ là một trong những chỉ mốc mở đầu cho việc lan rộng sự hiểu và lắng nghe tiếng nói và các mưu cầu của người liên giới tính tại Việt Nam.

Đọc thêm