Cuối cùng, kết luận thanh tra “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã được công bố vào 15h hôm qua. Theo đó, sai phạm nối tiếp sai phạm, từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến xây dựng không phép, từ lạm quyền trong thi hành công vụ đến không trung thực trong kê khai tài sản.
Ông Phạm Sỹ Quý bị Thanh tra Chính phủ đề nghị phải “xử lý nghiêm minh” thay vì cụm từ “nghiêm khắc xử lý” như vẫn quen dùng. Đáng chú ý là ông Quý không “đơn thương, độc mã” trong vụ sai phạm này mà cả một loạt các cá nhân lãnh đạo và cơ quan chức năng cũng bị xem xét xử lý như người đã ký giấy chuyển quyền sử dụng đất, trách nhiệm đứng đầu của Chủ tịch thành phố Yên Bái hoặc Sở Tài chính, Cục Thuế Yên Bái,...
Rõ ràng, đây là một vụ sai phạm không lớn nhưng gây bức xúc dư luận và quá trình xử lý mất nhiều thời gian chờ đợi và có liên đến nhiều người, nhiều ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước tại địa phương, nếu không có quyền lực và quan hệ ràng buộc lẫn nhau thì không thể dựng một “biệt phủ” giữa lòng thành phố như thế này được.
Dẫu sao, “chạy trời không khỏi nắng”, việc công bố kết luận thanh tra này đã đáp ứng sự trông chờ từ phía người dân và giải tỏa nỗi bức xúc, e ngại có sự che chắn và “chống lưng” trong vụ sai phạm này. Vấn đề còn lại là xử lý nghiêm minh như đề nghị từ Thanh tra Chính phủ.
Một vụ việc khác cũng đang gây sự chú ý của dư luận, đó là việc Thượng tá Công an Võ Đình Thường, 13 năm trước khi còn là Đại úy, Trưởng trạm Dầu Giây đã bị kỷ luật, cho ra khỏi ngành mà nay lại đang giữ chức Phó phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai. Công an Đồng Nai và Bộ Công an đều khẳng định việc bổ nhiệm ông Thường là “đúng quy trình”, vấn đề là ở chỗ cần minh bạch là ông Thường thực sự có bị kỷ luật ra khỏi ngành không hay chỉ là luân chuyển?. Và, cái thông tin ông bị ra khỏi ngành xác tín ở đâu, chỗ nào thì mới đảm bảo vế sau là “đúng quy trình được”.
Khi ông ký giấy mời các tài xế trả tiền lẻ qua Trạm thu phí BOT Biên Hòa lên làm việc thì người ta mới phát hiện ra ông từng bị kỷ luật và con gái ông chính là cổ đông chiến lược của BOT Biên Hòa này. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông là ông không hề biết con gái làm chuyện đó, thật là một ông bố rất vô tư, khách quan trong công việc và cả trong nghĩa vụ làm cha nữa!
Việc công bố kết luận “biệt phủ” Yên Bái xảy ra đúng ngày khai mạc kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Một trong các chương trình nghị sự của kỳ họp lần này là xem xét tư cách đại biểu của bà Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Hy vọng rằng những việc xảy ra tại Đồng Nai cũng được đề nghị xử lý nghiêm minh như đã trường hợp ở Yên Bái.