"Cầu nối" ý Đảng - lòng dân

 Báo chí là một nhân tố, một phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực, mà dư luận xã hội tích cực là tiền đề, điều kiện, nguyên nhân cho trạng thái chính trị - xã hội ổn định.

Báo chí là một nhân tố, một phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực, mà dư luận xã hội tích cực là tiền đề, điều kiện, nguyên nhân cho trạng thái chính trị - xã hội ổn định.

"Cầu nối" ý Đảng - lòng dân ảnh 1
 

Nói cách khác, báo chí có trách nhiệm trong việc quản lý xã hội, quản lý đất nước, là phương tiện đảm bảo dòng thông tin hai chiều để tạo ra sự hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp, hình thành những chính sách mới đúng đắn, kịp thời.

Ngày càng đi sâu vào thực tế đất nước

Điều đó đòi hỏi báo chí phải đi sâu vào thực tiễn đất nước, góp phần tổng kết và phổ biến kịp thời những bài học kinh nghiệm, những mô hình điển hình tiên tiến; ra sức sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực xây dựng nền báo chí Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng cách mạng, khoa học, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là một điều mới mẻ và chưa có kinh nghiệm hoàn thiện nào để chúng ta hướng tới. Bởi thế, báo chí là cầu nối cung cấp kịp thời thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, kiểm tra, đánh giá tính chất hợp lý của các chính sách đang được thực hiện.

Nghĩa là báo chí đã tham gia vào quá trình hoạch định và hoàn thiện các chính sách kinh tế - xã hội. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư từng nói: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng luôn đánh giá và đề cao vai trò của báo chí trong việc “tuyên truyền tập thể, tổ chức tập thể, cổ động tập thể””.

Nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu với đa số cư dân ở nông thôn, việc nâng cao trình độ dân trí không chỉ đơn thuần là trang bị những tri thức phổ thông cụ thể. Điểm khó ở chỗ làm sao nhanh chóng nâng cao nhận thức của nhân dân, bắt kịp trình độ các nước phát triển, hình thành một nếp sống công nghiệp, hiện đại, kỷ cương.

Thực tế cho thấy, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn được hưởng quá ít những thông tin qua báo chí, trong khi đây lại là khu vực mà vấn đề nâng cao dân trí, đưa thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận người dân là bức thiết nhất. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tham gia vào quá trình hoạch định và hoàn thiện các chính sách kinh tế - xã hội của đất nước thì nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho báo chí chính là nâng cao dân trí.

Sôi nổi trong Nam, ngoài Bắc

Kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm hỏi, động viên một số cơ quan báo chí. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đến thăm và nói chuyện với các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân. Đồng chí Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đến thăm và chúc mừng các báo Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới...

Các địa phương, các cơ quan báo chí cũng tiến hành rất nhiều hoạt động thiết thực chào mừng ngày 21/6 năm nay. Lãnh đạo TP.Hà Nội, Đà Nẵng... tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, khẳng định vai trò của báo chí trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác của địa phương.

Ngày 19/6, các báo Nhà báo và Công luận, Lao động và Xã hội, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Nhà báo - Sự kiện và Nhân chứng” lần thứ IV với hai phần “Ký ức thời hoa lửa” và “Trọn nghĩa tri ân”... Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh mở Hội thi “Tiếng hát người làm báo” lần VII; phối hợp với CLB Phóng viên thể thao tổ chức giải Futsal, với Thành đoàn TP trao giải thưởng “Ngòi bút trẻ” lần thứ V...

Đặc biệt, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V - năm 2010 sẽ được tổ chức trang trọng tại Thủ đô Hà Nội vào đúng tối 21/6. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Hệ phát thanh có hình của Ðài Tiếng nói Việt Nam. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết: Với 1.321 tác phẩm tham dự 8 loại giải, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V - năm 2010 đã thành công tốt đẹp.

Hai giải A là loạt bài “Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” (của Nguyễn Đăng Lâm, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ngãi) và loạt bài “Vụ tổ chức cướp than động trời ở Quảng Ninh” (nhóm tác giả Báo Lao động). Ngoài ra, có 24 giải B, 43 giải C, 59 giải Khuyến khích và Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V - năm 2010 sẽ trao Giấy chứng nhận cho 33 tác phẩm vào chung khảo nhưng không đoạt giải. Trong số các tác phẩm đoạt giải, số lượng tác phẩm về chủ đề biển đảo, về các nhân tố mới, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn.

* Ông Ðinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

“Cần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”

 
Suốt 86 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc, không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, đóng góp vào những chiến công lừng lẫy, thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta. Ðồng thời, báo chí cách mạng Việt Nam góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Báo chí đã kiến nghị với Ðảng, Nhà nước bổ sung hoàn thiện các chủ trương, đường lối chính sách; thể hiện ý chí, nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đang có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, báo chí phải không ngừng đổi mới, tổ chức tốt nguồn tin, kiểm chứng, xử lý thông tin chặt chẽ, kịp thời, chính xác; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí...

Thời gian tới, đội ngũ cán bộ, phóng viên cần tăng cường bám sát thực tế cơ sở, kịp thời cổ vũ, biểu dương cách làm tốt, sáng tạo, phê phán những biểu hiện quan liêu trong triển khai các chủ trương, quyết sách của Ðảng, giải pháp của Chính phủ, của các cấp ủy, chính quyền.

* Ông Nguyễn Thế Thảo - Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội:

“Luôn lắng nghe ý kiến của báo chí”

"Cầu nối" ý Đảng - lòng dân ảnh 3
 
TP.Hà Nội luôn đánh giá cao vai trò của báo chí trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác. Vì vậy, trong nhiều năm qua, TP đã duy trì và ngày càng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn; sẵn sàng phối hợp và luôn trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, phê bình, phản biện mang tính xây dựng của báo chí; qua đó xem xét một cách nghiêm túc, chỉ đạo và xử lý kịp thời những vấn đề còn tồn tại, bức xúc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP, được dư luận hoan nghênh...

Ðể thực hiện thắng lợi năm nhiệm vụ trọng tâm, hai khâu đột phá, chín chương trình công tác lớn mà TP đã đề ra, đặc biệt là tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. TP mong các cơ quan báo chí tiếp tục có sự phối hợp và chia sẻ nhiều hơn nữa, góp phần chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp và văn minh bằng tình yêu và tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của Thủ đô.

* Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam:

“Hạn chế các thông tin giật gân, câu khách”

"Cầu nối" ý Đảng - lòng dân ảnh 4
 
Cho đến thời điểm này, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc. Sau 86 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Báo Thanh niên đến nay, chúng ta có 720 cơ quan báo chí, 830 ấn phẩm và chương trình phát thanh truyền hình, báo điện tử và hơn 17.500 nhà báo chuyên nghiệp tức là được cấp thẻ nhà báo và hàng chục nghìn cộng tác viên. Hiện nay, riêng Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng đến 97,5% dân số, Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 95% hộ gia đình... Có thể nói báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, loại hình...

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam đã bàn bạc rất nhiều trong các hội thảo và giao ban báo chí, đề nghị phải hạn chế các thông tin vô bổ, giật gân, câu khách và như công chúng phản ánh tức là dạng báo lá cải. Đó là cách làm báo sa vào các vụ án, mặt trái, tệ nạn và mô tả chi tiết. Qua tin bài người đọc không rút được kinh nghiệm nào nhiều hơn mà chỉ thấy tội ác được phơi bày tự nhiên chủ nghĩa. Đây là cách làm báo không chuyên nghiệp và các tờ báo đó không có đất sống lâu dài. Thực ra, có một bộ phận nhỏ độc giả thích những thông tin giật gân nhưng đại bộ phận không thích. Họ hướng tới thông tin bổ ích và giá trị Chân - Thiện - Mỹ để nâng con người lên về nhân cách, lối sống, văn hóa.

Hoàng Thư 

Đọc thêm