Báo PLVN liên tục có bài phản ánh về công trình cầu treo dân sinh ở thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vừa khánh thành đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khi phần đầu cầu nằm ở địa phận thôn 1 (xã Tiên Lãnh) bị lún, nứt, sụp tan hoang. Bên thành móng cầu cũng bị nứt toác kéo theo những mảng tường bê tông ta luy bị đổ xuống mép hố. Những vết nứt mới phát sinh chạy dọc, chạy ngang hai bên hông móng đường nối ngay đầu cầu đếm không hết.
Nói về sự cố này, đại diện đơn vị thi công - Giám đốc Xí nghiệp Bình Minh (thuộc Cty TNHH MTV Duyên Hải) cho hay, công trình được đưa vào sử dụng từ ngày 30/7/2015 và chính thức bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 3/11/2015, các bên thống nhất đánh giá đơn vị thi công đã thi công công trình đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế và các thay đổi đã điều chỉnh.
Tuy nhiên, sau thời gian mưa lớn dài ngày khiến mặt đường phía trụ T1 bị lún (KT 4,0mx1,5m) và chân khay cũng như phần gia cố ta luy phía trụ T1 bị sạt (KT dài 2,5m, cao 2,0m). Ngoài ra, đại diện nhà thầu xây lắp còn tiết lộ, trước đó để giảm tổng mức đầu tư cho công trình, các bên đã “thống nhất” thay thế kè xi măng cốt thép nhịp dẫn từ mố neo M1 tới trụ T1 (dài 18m) bằng... đắp đất, không chắc chắn.
Tuy nhiên, hôm qua (27/11), trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN - cơ quan chủ đầu tư) lại cho hay, cầu treo dân sinh thôn 2 xã Tiên Lãnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2015 - tức là sớm hơn 6 tháng so với thông tin mà nhà thầu cho biết.
“Công trình này nằm trong chương trình 186 cầu dân sinh có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này Nhà nước mới cấp vốn khoảng 400 tỷ đồng. Vì thế, đa số các nhà thầu đều phải tự ứng vốn ra xây dựng trước, và công trình này cũng không ngoại lệ. Hiện, những hư hỏng ở đây đang được sửa chữa”, ông Huyện nói.
Thiếu vốn nên ảnh hưởng chất lượng
Bàn thêm về nguyên nhân cầu vừa xây xong đã hỏng, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Tổng cục ĐBVN) cho rằng, do việc đắp đất trong lòng mố cầu chưa đạt, đầm không đủ chặt nên bề mặt của đường dẫn đầu cầu bị lún, nứt. “Phía dưới không chắc chắn thì bề mặt bê tông dù dày 10 hay 20cm thì cũng bị tụt xuống, bị xé ra. Rõ ràng ở đây việc thi công là chưa đạt yêu cầu”, ông Sỹ khẳng định.
Được biết, công trình này có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, tuổi thọ công trình được thiết kế là 25 năm và thời gian bảo hành là 3 năm cho tất cả các hạng mục. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng mà đã hư hỏng là điều khó có thể chấp nhận được. Có phải do muốn giảm tổng mức đầu tư, phải thay thế kè xi măng cốt thép bằng đắp đất (như phản ánh của nhà thầu) nên mới dẫn tới sự cố nói trên?
“Tôi cho rằng, dù có thay đổi thiết kế thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu đặt ra lúc đầu là công trình phải đảm bảo chất lượng, không thể nói do thay bằng đất đắp nên công trình hư hỏng. Bên thi công nói như vậy là tránh né, Cục trưởng Sỹ nói.
Như thông tin mà ông Huyện đã công bố, ông Sỹ cho biết thêm, nhà thầu thi công công trình này mới được giải ngân khoảng 1 trong 3 tỷ đồng để thực hiện dự án. Thực tế đó khiến dư luận phải đặt thêm câu hỏi: do thiếu vốn nên nhà thầu phải “co kéo”, tiết giảm công đoạn dẫn tới việc thi công không đạt yêu cầu, gây hư hỏng?
“Dù nhà thầu tự ứng vốn và tiến độ giải ngân của chủ đầu tư hiện mới đạt khoảng gần 40% (theo kế hoạch vốn) thì những cam kết về chất lượng, tiến độ trong hợp đồng trước đó, nhà thầu vẫn phải đảm bảo. Ở đây ngoài nguyên nhân khách quan là do mưa lũ thì cũng phải thẳng thắn nói rằng, việc hư hỏng 3 mét đường đầu cầu là do quá trình thi công nhà thầu chưa quan tâm đúng mức. Vì thế, cần khẳng định việc thay đổi từ kè bê tông sang đắp đất cũng có một phần ảnh hưởng, nhưng như đã nói ở trên, đó không phải là nguyên nhân chính”, ông Nguyễn Xuân Trường, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục ĐBVN) giải thích.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, công tác sửa chữa cầu treo dân sinh này hiện đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong cuối tuần này.