Cây cầu đổi đời của người Dao đỏ

(PLO) - Từ ngày có cây cầu phao bắc qua sông Gâm, cuộc sống của đồng bào người Dao đỏ, người Tày xã Thanh Tương (Nà Hang, Tuyên Quang) đỡ vất vở hơn nhiều.
Cầu phao xã Thanh Tương.

Việc đi lại từ thôn Cổ Yểng đến 2 thôn Bắc Danh và Nà Coóc ở huyện Nà Hang trở nên đơn giản, thuận tiện, con trẻ thỏa nguyện cắp sách đến trường không ngại mưa lũ, rồi những chuyến hàng nông sản của cha mẹ chúng cũng vì thế mà tấp nập về xuôi thuận tiện. 

Nhọc nhằn mảng nứa, đò ngang

Bắc Danh và Nà Coóc là hai thôn của xã Thanh Tương (huyện Nà Hang) gần như nằm cách biệt với xã bởi con sông Gâm nhất khi vào mùa mưa lũ. Chỉ lên phía nền của căn lán cũ nằm chếch trên triền dốc thoải gần sông Gâm, ông Lý Tiến Khèn, thôn Bắc Danh kể lại, những năm 1974 đến 1985, người dân trong thôn tự ghép tre nứa lại thành mảng chở được chừng 2 đến 3 người qua sông.

Đó là khi bến đò Bắc Tù chưa có, trẻ em hai thôn đi mảng cùng người lớn khi nước không dâng cao. Mùa mưa lũ đến, nước sâu và xoáy mạnh, đứa bé được bố mẹ cho nghỉ học còn đứa lớn lại lặn lội men đèo Khau Dầu chừng 3km đến khu vực Mỏ Cá của thôn thì đi đò sang bên kia quốc lộ để bắt xe đi học. 

Bến đò Bắc Tù được hình thành những năm 1986, 1990 người dân đóng thuyền nan, thuyền máy để sang sông nhưng cũng chỉ chở được 4 đến 5 người. Những năm ấy ông Khèn dựng lán để phục vụ người dân đi lại. Cứ như vậy, phía bên Bắc Danh, Nà Coóc thì phần ông phục vụ, còn phía bên Cổ Yểng là ông La Tài Minh phụ trách.

Ông Khèn bảo: “Cũng vì xuất phát từ chuyện phục vụ con trẻ vượt sông đến trường nên ra bến làm lái đò, chứ chuyện công cán thấm sao khi những lúc mưa bão, đêm muộn ông vẫn “canh” bên sông để mọi người sang sông an toàn. Vất nhất đối với người dân vào những ngày mưa lũ, khi Thủy điện Tuyên Quang chưa hoàn thành đi vào sử dụng, mỗi chập mưa lũ về nước dâng cao trắng đôi bờ. Cộng thêm sức nước từ dòng thác Hỷ Hả tuôn thẳng ra sông Gâm nên dòng sông càng trở nên gớm “tợn” hơn khi nào hết vào mùa mưa lũ. Khi ấy chẳng ai dám cho lũ trẻ mon men ra sông chứ đừng nói là vượt sông đi học”.

Bà Lương Thị Lìn, thôn Nà Coóc xúc động chia sẻ, nhìn dòng sông giờ hiền hòa là vậy chứ trước đây khi mưa lũ, mong đưa người qua sông đã là tốt lắm chứ đừng mong chuyện xe máy đi lại dễ dàng thế này được. Không có cây cầu nó cũng kéo cái nghèo của bà con xuống nữa đấy. Bà con muốn đưa con trâu, con bò hay lợn về chăn nuôi cũng khó khăn lắm mới vận chuyển được về tới thôn. Rồi đến chuyện cây con giống, vật tư nông nghiệp đều nhờ những chuyến đò “lặc lè” chở qua. 

Động lực cho những khát vọng mới

Trước những khó khăn đó của người dân, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cầu phao qua sông Gâm nối hai bờ từ thôn Cổ Yểng đi 2 thôn Bắc Danh và Nà Coóc, xã Thanh Tương. Công trình được thi công trong 2 tháng từ tháng 8 đến tháng 10/2016, do Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 4,7 tỷ đồng. Cầu phao được xây dựng với quy mô tải trọng thiết kế cho người và xe máy 200 kg/m2, khổ cầu rộng 2m, chiều dài cầu 150m. Cầu dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 10m. Để ổn định cầu phao đơn vị đã sử dụng 4 neo trên bờ có trọng lực 20 tấn, cáp neo 20mm.

Theo ông Ma Quý Đôn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nà Hang, ngay khi cầu phao hoàn thành, huyện cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng quy chế quản lý, vận hành, bảo dưỡng cầu theo đúng quy định. Dự kiến huyện sẽ giao cho Hạt Quản lý giao thông Nà Hang quản lý, vận hành và khai thác.

Hiện nay, toàn huyện có 2 cây cầu dân sinh là cầu treo Nặm Cằm xã Thượng Giáp và cầu phao xã Thanh Tương còn lại là cầu cứng. Qua rà soát toàn huyện hiện có trên 50 điểm cần xây dựng cầu dân sinh. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Đoàn, huyện đã xây dựng được 3 cầu cứng dân sinh tại xã Thượng Nông và Đà Vị. Dự kiến sang năm 2017, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ triển khai xây dựng thêm 3 cây cầu tại các xã khó khăn của huyện. 

Phấn khởi khi cầu phao hoàn thành, ông Lý Tiến Khèn, thôn Bắc Danh, xã Thanh Tương bảo: “Cái lán chờ đò này bỏ được đi là tôi mừng lắm, người dân hết cảnh chờ đò sang sông, rồi lo nơm nớp mỗi khi qua sông mùa nước nổi. Có cầu, điện cũng sắp về tới thôn, đường thôn xóm dần được bê tông hóa liền mạch với cây cầu, xe máy chạy bon ra tới tận đường lớn. Như vậy còn gì bằng”.

Hiện nay, Điện lực Nà Hang đang triển khai thi công xây dựng trạm biến áp tại hai thôn Bắc Danh và Nà Coóc để đưa điện lưới về tới thôn. Tại hai thôn giờ đã có trên 5,4km đường được bê tông hóa, còn hơn 1,8km đường nữa người dân sẽ hoàn thiện trong những năm tiếp theo để đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Nông Văn Sông, Trưởng thôn Nà Coóc  cho biết: “Thôn còn thuộc khu vực 135 nên mức sống còn hạn chế nhiều, thôn có trên 60 hộ mà tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 70%, thu nhập bình quân chỉ đạt từ 12 đến 13 triệu đồng/người/năm, nhưng chẳng vì vậy mà người dân trong thôn nản chí vươn lên thoát nghèo. Nhất là khi có giao thông thuận tiện, có điện, đường, điểm trường học được xây dựng hoàn thiện.

Những năm gần đây thôn đã bắt đầu chăn nuôi trâu với số lượng 150 con, chăn nuôi đàn lợn thịt với trên 300 con, diện tích đất lúa 20ha, trong đó có 8ha trồng được 2 vụ lúa. Sau nhiều lần họp thôn, tích cực vận động, bà con trong thôn hiện đã làm vụ 3 với diện tích trên 5ha mà cây trồng chủ đạo là cây ngô đông, lạc. Năm 2016, thôn phấn đấu giảm 3 hộ nghèo”.

Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương bày tỏ, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được hoàn thiện, bổ trợ rất nhiều trong việc giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cây cầu đã “nối nhịp” cho những dự định mới của người dân nơi đây trong việc đồng tâm nhất trí phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cũng theo ông Hoan, xã cũng sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án nhằm giúp người dân nơi đây có điểm tựa vươn lên, đồng thời huy động sức dân tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đọc thêm